Cô Đình Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn THPT, Trường THCS-THPT Phenikaa (Hà Nội) nhận định, về phạm vi kiến thức, năng lực, đề Ngữ văn đảm bảo kiến thức, năng lực trong khung chương trình Ngữ văn 2018. Học sinh được kiểm tra kiến thức về thể loại văn học, kỹ năng viết văn nghị luận (về vấn đề văn học, vấn đề xã hội).
👉 Xem thêm:
- Cùng nghe Phenikers flex nhẹ về ngôi trường cấp 3 trong mơ
- Tiểu học: Chọn trường đúng, con hạnh phúc
Cấu trúc đề thi đảm bảo như định hướng Bộ GD&ĐT đã công bố với hai phần.
- Phần I – Đọc hiểu (4 điểm); trong đó có câu 1, 2 thuộc mức độ nhận biết; câu 3, 4 thuộc mức độ thông hiểu; câu 5 thuộc mức độ vận dụng.
- Phần II – Viết (6 điểm), gồm nghị luận văn học (2 điểm), nghị luận xã hội (4 điểm).

Về phạm vi kiến thức:
Phần Đọc hiểu, đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (đoạn trích trong tác phẩm: Những vùng trời khác nhau của nhà văn Nguyễn Minh Châu). Ngữ liệu vừa đậm không khí lịch sử thời chiến tranh chống Mỹ, vừa khơi gợi những giá trị nhân bản về tình đồng đội, về sự thấu hiểu đồng cảm, về lý tưởng gắn bó của mỗi cá nhân với quê hương, tổ quốc.
Ở phần này, câu 1, 2 các em hoàn toàn có thể trả lời trọn vẹn, đạt điểm tối đa nếu đọc kỹ văn bản, nắm được kỹ năng xác định ngôi kể trong thể loại truyện ngắn.
Câu 3, 4 cần khả năng hiểu, vận dụng để thể hiện kỹ năng đọc văn bản có yếu tố nghệ thuật và năng lực phân tích, biện giải một khía cạnh của vấn đề.
Câu 5, học sinh cần có tư duy vận dụng, liên hệ, tìm ra điểm tương đồng về ý nghĩa như: Khẳng định sự yêu thương của con người với những miền không gian, nơi họ đã có hành trình gắn bó; thể hiện một quy luật tâm lý (khi gắn bó và có kỷ niệm với một miền đất, vùng trời, nơi ấy sẽ in dấu trong tâm hồn con người, trở thành miền ký ức khó phai…); đồng thời, với học sinh có năng lực cũng có thể chạm đến nét độc đáo riêng của hai ngữ liệu (về nội dung, hình thức).
Phần Viết, câu nghị luận văn học, đề yêu cầu học sinh phân tích tình cảm của nhân vật Lê dành cho Sơn. Vấn đề nghị luận không quá thách thức với học sinh, yêu cầu của đề tập trung khai thác sự chuyển biến tình cảm tích cực của Lê với Sơn, khẳng định vẻ đẹp, thế giới nội tâm phong phú, lý tưởng cao đẹp của cả hai nhân vật.
Từ đó, nhà văn gửi gắm thông điệp về tinh thần đoàn kết đồng đội, về lý tưởng cao đẹp của công dân trẻ với đất nước, về tấm lòng rộng mở của con người với những “vùng trời khác nhau” trên mảnh đất rộng lớn của Tổ quốc, cho người đọc những suy tưởng sâu lắng, thiêng liêng về Tổ quốc: Chính tổ quốc với những gian lao trong hành trình gìn giữ hòa bình, độc lập lại là sợi dây gắn kết, là cội nguồn cho sự trưởng thành, lớn lên về nghị lực, tinh thần của mỗi cá nhân.
Để đạt hiệu quả cho đoạn nghị luận của mình, các em cần triển khai phân tích vấn đề gắn với đặc trưng thể loại, gắn với các yếu tố của phương diện nghệ thuật như: Ngôi kể, điểm nhìn (có dịch chuyển nhiều vào nhân vật Lê), tình huống, chi tiết, ngôn ngữ kể…
Về cấu trúc, các em cần đảm bảo có 3 phần, mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Các phần trên đảm bảo đúng chức năng. Mở đoạn cần giới thiệu được vấn đề nghị luận, thân đoạn triển khai phân tích những chuyển biến, những cung bậc cảm xúc, nhưng biểu hiện tình cảm của Lê dành cho Sơn thông qua các yếu tố nghệ thuật, kết đoạn khẳng định giá trị thông điệp, tư tưởng và tài năng của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Câu nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề: Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời tổ quốc.
Vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội mang tính nhân bản, cốt lõi: Tình yêu với tổ quốc. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề và khơi gợi hướng khai thác mới mẻ, có tính thời đại: Tình yêu quê hương không giới hạn ở phạm vi nhỏ hẹp với nơi mình sinh ra, nơi ta gắn bó, nơi cho ta những giá trị có thể đong đếm mà bất cứ mảnh đất nào, vùng trời nào cũng là nơi đáng để ta yêu, hiểu và hành động vì nó. Bởi lẽ, chỉ khi cả Tổ quốc, cả sự sống hiện hữu trên cuộc đời này bình yên, thì sự sống của cá nhân mới hạnh phúc, mới thực sự có giá trị.
Để giải quyết vấn đề này, các em cần đảm bảo cấu trúc ba phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài.
Mở bài giới thiệu vấn đề. Thân bài các em phân tích biểu hiện, ý nghĩa của việc nhận thức, hành động đúng trách nhiệm, tình yêu của cá nhân với tổ quốc, với những “vùng trời khác nhau” trong hành trình sống của mỗi con người; các em cũng cần có tư duy phản biện để mở rộng vấn đề trong cái nhìn toàn diện. Kết bài các em có thể chốt lại vấn đề, nêu bài học nhận thức và hành động cũng như những suy tưởng của bản thân.
Với đề thi Ngữ văn năm 2025, cá nhân người viết có niềm tin các em học sinh khóa thi năm 2024- 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ, đề có khả năng khơi gợi những những nhận thức nhân bản về tình yêu đất nước, trân trọng quá khứ lịch sử, tự hào về thế hệ trong quá khứ. Đề thi cũng kích thích tư duy sáng tạo, nhận thức mới mẻ, gắn với ý thức của công dân trong bối cảnh đất nước đề cao tinh thần đoàn kết, hội nhập.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ: Số 8 đường Tu Hoàng, Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Hotline: 086 992 7887 – (024) 335 455 66
- Email: [email protected]
- Website: https://phenikaa.edu.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/truongphothongliencapphenikaa