Theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc. Điều này khiến nhiều người quan ngại liệu có ảnh hưởng tới việc phát triển năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam hay không?
- Thầy Ngô Huy Tâm – Chủ nhiệm chương trình quốc tế
- Hệ Song ngữ Phenikaa School
- Phenikaa School tổ chức Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế TIMO vòng Quốc gia năm 2023
Không làm giảm giá trị của việc học Ngoại ngữ
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo đó, phương án được lựa chọn là 2+2, tức là thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án, đã có một số ý kiến băn khoăn, việc Ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc có làm giảm chất lượng dạy và học môn này, đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới ngày nay.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm – Thành viên sáng lập Phenikaa School cho rằng, quyết định không xem môn Ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc có thể tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với cách nhìn nhận và giáo dục môn học này.
Theo ông Ngô Huy Tâm, việc môn tiếng Anh trở thành môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể làm thay đổi quan điểm về tầm quan trọng của môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông.
“Thời gian qua, cả xã hội nói chung, cùng hệ thống các trường và học sinh nói riêng đã quen với việc học Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh – môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp. Vì vậy, việc thay đổi này có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Ngoại ngữ”, ông Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Huy Tâm cũng cho rằng, điều này không nhất thiết phản ánh sự giảm giá trị của việc học Ngoại ngữ. Tiếng Anh và các Ngoại ngữ khác vẫn giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và là công cụ thiết yếu cho giao tiếp quốc tế, học thuật và nghề nghiệp.
Cũng theo chuyên gia Ngô Huy Tâm, khi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, một số học sinh có thể không học hoặc không tập trung vào Ngoại ngữ nếu các em cảm thấy không cần thiết cho kỳ thi tốt nghiệp của mình. Điều này có thể dẫn đến giảm sự chú trọng vào việc dạy và học Ngoại ngữ của một số trường học.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, việc thay đổi này cũng có thể coi là một cơ hội để học sinh lựa chọn các môn học phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp cá nhân của các em.
Khi môn Ngoại ngữ trở thành một trong nhiều lựa chọn, các em học sinh sẽ cần phải tư duy, cân nhắc lựa chọn đúng đắn, phù hợp với định hướng, năng lực của bản thân. Các em sẽ tận dụng được thêm chi phí cơ hội, trong đó thời gian và sức khỏe là những chi phí lớn nhất, để tập trung vào lựa chọn con đường mà các em ưu tiên hơn với mục tiêu tương lai của mình. Điều này vô hình trung đặt trách nhiệm lớn hơn lên vai của phụ huynh và học sinh trong việc quyết định cho chính tương lai của các em. Đồng thời, vai trò hướng nghiệp của nhà trường cũng sẽ góp phần trong quyết định này.
Chuyên gia Ngô Huy Tâm cho hay, mặc dù môn Ngoại ngữ không còn là yêu cầu bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng nó vẫn có thể là yêu cầu quan trọng trong tuyển sinh đại học hoặc các cơ hội nghề nghiệp sau này.
Cụ thể, điều này có thể khuyến khích học sinh tiếp tục học Ngoại ngữ như một phần quan trọng của sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Khi ấy, việc học Ngoại ngữ của học sinh sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu và gắn liền với thực tế hơn, thay vì đơn thuần học nó để đảm bảo một yếu tố điều kiện trong một kì thi.
“Như vậy, về mặt tổng thể, mặc dù quyết định này có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và giáo dục môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông, nhưng không nhất thiết phản ánh sự giảm giá trị của việc học Ngoại ngữ trong bối cảnh giáo dục và xã hội hiện đại”, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm khẳng định.
San sẻ nỗi lo với phụ huynh
Theo ông Ngô Huy Tâm, chúng ta vốn quen với việc “học để thi” và “dạy để thi” suốt bấy lâu nay. Vì vậy, khi có quyết định chuyển đổi từ môn bắt buộc sang môn thi tự chọn khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng và cảm thấy Ngoại ngữ giống như môn học bị “bỏ rơi”.
Nhằm giảm bớt lo lắng của phụ huynh về thực trạng giáo dục Ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh của những thay đổi trong chương trình giáo dục và cách thức thi cử, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm cũng đã đưa ra một số điểm quan trọng.
Ông Ngô Huy Tâm nhấn mạnh: “Phụ huynh cần nhận thức rằng mục tiêu của giáo dục không chỉ là đạt điểm cao trong các kỳ thi, mà còn là phát triển kỹ năng, kiến thức và năng lực toàn diện cho học sinh. Điều này giúp học sinh không chỉ giỏi về mặt lý thuyết mà còn có khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế”.
Dù Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, nhưng môn học này vẫn giữ vai trò quan trọng trong giáo dục và trong cuộc sống hiện đại. Khuyến khích con em học Ngoại ngữ không chỉ để thi cử mà còn để sử dụng trong giao tiếp, học thuật và nghề nghiệp sẽ giúp học sinh có được hành trang vững chắc để tự tin trong cả đời sống lẫn công việc.
Một vai trò quan trọng khác của Ngoại ngữ đó là giúp học sinh mở rộng hiểu biết về văn hóa, phát triển tư duy và cả năng lực cảm xúc. Trong một xã hội với nhiều thay đổi và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, thì năng lực thấu cảm, trí thông minh cảm xúc là yếu tố quan trọng để tạo nên sự khác biệt và thành công của thế hệ trẻ.
Ông Ngô Huy Tâm cho rằng, thay vì học Ngoại ngữ theo hướng tập trung và kĩ năng làm bài thi để “đối phó” với thi cử, các bậc phụ huynh có thể khích lệ con em mình học Ngoại ngữ thông qua các hoạt động thực hành như nói chuyện, viết lách, đọc hiểu. Các hoạt động ngoại khóa, trò chơi giáo dục và sử dụng công nghệ cũng có thể hỗ trợ việc học ngôn ngữ một cách thú vị và hiệu quả.
Bằng cách nhấn mạnh vào sự phát triển toàn diện và việc học Ngoại ngữ vì mục đích giao tiếp cũng như tiếp thu kiến thức, không chỉ vì điểm số, phụ huynh có thể giảm bớt lo lắng và hỗ trợ con cái học tập hiệu quả hơn.
“Việc học tiếng Anh hay bất cứ môn Ngoại ngữ nào khác không chỉ quan trọng cho một vài kỳ thi, mà còn cần thiết cho sự phát triển toàn diện của học sinh trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ”, ông Ngô Huy Tâm chia sẻ.
Theo Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô