Những năm gần đây, nhờ liên tục thay đổi và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, các môn học tưởng như khô khan, khó nhớ như Lịch sử, Địa lý… đã dần thu hút và khiến học sinh say mê, thích thú qua mỗi tiết học. Và bộ môn Lịch sử tại Phenikaa School cũng như vậy!
Với hơn một thập kỷ gắn bó với môn Lịch sử, với văn hóa và truyền thống của dân tộc và của thế giới, thầy Phạm Giềng luôn tìm tòi, nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức của môn học tưởng dễ nhưng không dễ, tưởng khô khan nhưng chẳng hề khô khan này đến với mỗi đối tượng khác nhau.
Người thầy giản dị, luôn tâm niệm “Giáo viên là một nghề đặc biệt, người thầy luôn lấy niềm vui và thành công của học sinh là thành công chính mình”.
Gặp thầy Phạm Giềng ở ngoài, ấn tượng ban đầu vẫn là nét hiền lành, phúc hậu và nụ cười thật hiền hậu. Vậy nhưng, khi thầy giáo đứng lớp thì hình ảnh lại hoàn toàn khác, giúp học sinh vô cùng hào hứng và háo hức khám phá kiến thức lịch sử.
Với TS Phạm Giềng, ở mỗi môi trường và đối tượng học sinh khác nhau, thầy đều mang đến những phương pháp truyền đạt và cách tiếp cận linh hoạt ở nhiều góc cạnh khác nhau.
Đối với những tiết học lịch sử, thầy luôn cố gắng tích hợp các phương pháp mới mẻ, hiện đại vào cho học sinh để các em biết cách vận dụng linh hoạt. Giáo viên dạy học lịch sử cần tránh sa đà vào số liệu, liệt kê, yêu cầu học sinh ghi nhớ thái quá. Dạy lịch sử phải gắn với thực tiễn cuộc sống, kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực để học sinh được bày tỏ quan điểm và thể hiện mình.
Ví dụ, khi nói đến các chiến dịch, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xây dựng sa bàn. Học sinh áp dụng kiến thức địa lí, giáo dục quốc phòng để làm rõ thuận lợi, hạn chế của ta; có thể học vận dụng kiến thức STEM để tạo khói giả, xe tăng mini tự di chuyển, máy bay… Từ đó, kiến thức lịch sử trở nên sinh động hơn, thú vị hơn.
Không khó để bắt gặp những ánh mắt háo hức, những tiếng “Ồ, À” hay những mô hình đặc biệt của các em học sinh ở mỗi giờ dạy Lịch sử với thầy giáo Phạm Giềng.
Học sinh Trung học tự làm đồ trang sức như thời lịch sử
Thầy giáo 8X cũng khẳng định thêm: “Mỗi sự tiến bộ của học trò là nguồn động lực để thầy cô cố gắng trong từng tiết giảng. Tôi chọn nghề giáo vì muốn tạo ra những điều kì diệu. Những nụ cười của học sinh khi đạt được một mục tiêu nào đó, sự hạnh phúc của các bậc phụ huynh khi chứng kiến con mình trưởng thành, biết yêu thương và trân trọng những gì các con có được là những điều kì diệu. Chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thì hãy bắt đầu từ giáo dục”.
Khi được hỏi về câu chuyện vì sao học sinh vẫn e ngại môn Lịch sử, thầy Phạm Giềng bày tỏ quan điểm, bản thân thầy nhận định nhiều học sinh yêu môn Lịch sử nhưng lại sợ học và thi. Để cải thiện vấn đề này, các trường THPT hiện nay coi trọng việc nâng cao kỹ năng và phương pháp học tập. Cụ thể, thay vì chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô đầu tư thêm các bài giảng, video thú vị về kiến thức lịch sử. Từ đó, học sinh cũng có thể tiếp cận kiến thức lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cách để vừa học vừa chơi, ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả.
Mô hình hóa thạch khủng long và xương khủng long trong phần thực hành Lịch sử
Thầy giáo 8X tin tưởng với những điều đó, tương lai của môn Lịch sử sẽ có nhiều biến chuyển tích cực hơn nữa, trở thành môn học “bắt buộc” nhưng lại được học sinh nồng nhiệt và hào hứng đón nhận chứ không phải máy móc học thuộc.