Trong tuần cuối tháng 3, buổi sinh hoạt chuyên môn tại Phenikaa School với chủ đề phát triển văn hóa Đọc và lan tỏa văn hóa đọc sách đến học sinh cũng như CBNV trong Nhà trường.
Buổi sinh hoạt bắt đầu bằng việc khảo sát Văn hóa Đọc đối với CBNV tại Nhà trường và phần warm-up ngộ nghĩnh của các thầy cô khi dạy online và quyết tâm thực hiện MV ca nhạc cùng nhau. Phenikaa School tin rằng những thầy cô tuyệt vời nhất sẽ là những thầy cô hạnh phúc nhất. Vậy nên việc tạo dựng môi trường học tập hạnh phúc là điều mà thầy cô Phenikaa School luôn hướng đến và quyết tâm xây dựng.
Từ việc khảo sát đọc sách có thể thấy vấn đề nổi bật đó là trong khi người lớn chúng ta thường xuyên nhắc nhở các con về việc đọc sách nhiều hơn thì chính chúng ta lại không dành nhiều thời gian cho việc đọc. Theo số liệu thống kê, mỗi học sinh Nhật Bản ở mọi lứa tuổi đọc từ 12-15 cuốn sách mỗi năm và hệ thống quản lý thư viện ở Nhật đều quản lý bằng mã vạch, hiện đại và tiện lợi.
Trong khi đó, ở Việt Nam, con số thống kê đầu sách học sinh Trung học đọc mỗi năm chỉ bằng 1/12 con số từ học sinh Nhật Bản, thậm chí có cả những sinh viên chia sẻ suốt 4 năm Đại học không đọc một cuốn sách nào hoàn thiện trừ sách giáo trình, giáo khoa…
Bởi lẽ đó, việc nhân rộng văn hóa Đọc là điều cần sự kết hợp và lan tỏa từ chính ba mẹ, thầy cô và những người lớn chúng ta.
Tại buổi trao đổi, cô Phương Liên cũng đã đề cập những “bí-kíp” các bước hướng dẫn chia sẻ sách với học sinh, với các bạn nhỏ từ kinh nghiệm của nhiều năm giảng dạy tại các ngôi trường tư có tiếng tại Hà Nội.
Nét đặc sắc và độc đáo từ phần chia sẻ của cô giáo Phương Liên chính là việc làm sao để mỗi chúng ta đều là F0 hoặc ít nhất là F1 nhiễm virus đọc sách, bởi nhiễm Covid-19 thì đáng lo ngại chứ nhiễm virus đọc sách thì là điều đáng khích lệ.
Tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn, cô Nguyễn Thu Biên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa đã chia sẻ câu chuyện về việc “Dạy học bằng cả trái tim” cũng như các phương pháp làm sao để học sinh chủ động và luôn có ý thức ngay cả khi không có giáo viên bên cạnh.
Từ câu chuyện và những tình huống mà cô Thu Biên chia sẻ, các thầy cô đã cùng nhau thảo luận và đưa ra những phương pháp gần gũi, hiệu quả để kết nối học sinh, tăng tương tác, tăng sự chủ động và thích ứng linh hoạt cho các em – đây đều là những phẩm chất quan trọng của công dân thế kỷ 21 trong thời đại công nghệ 4.0.
Cô Thu Biên cũng nhấn mạnh vai trò của thầy cô đối với tập thể lớp, đặc biệt là ở việc đối xử công bằng, xây dựng niềm tin nơi học sinh, bởi hơn ai hết, các bạn học sinh Tiểu học, nhất là học sinh lớp 1 khi mới bước chân vào môi trường học tập cần sự chỉn chu, nghiêm túc. Và để có được điều đó, thầy cô cần tạo dựng sự tin tưởng nơi học sinh.
Để việc duy trì được nề nếp cũng như sự chủ động và ý thức chủ động cho mỗi học sinh, tất cả thầy cô đều phải dùng trái tim để lắng nghe, thấu hiểu và trang bị cho các con những kỹ năng cần thiết, định hướng đồng thời đồng hành sát sao với các con.
“Dạy học bằng cả trái tim” – Nếu như người bác sĩ giỏi có thể phẫu thuật tim để cứu sống đứa trẻ thì với thầy cô, dạy học bằng cả trái tim chính là sứ mệnh nuôi dưỡng và ươm mầm mọi kỹ năng cũng như sự tiến bộ cho học sinh. Chính thầy cô cũng là những người chạm đến trái tim của mỗi đứa trẻ qua mỗi bài giảng.
Ở phần cuối của buổi sinh hoạt, cô Phương Liên đã dành thời gian giới thiệu với các thầy cô về cuốn sách yêu thích một thời “Khu tập thể có giàn hoa tím” với những kỷ niệm ngọt ngào, sâu sắc về một tuổi thơ thời bao cấp: nhiều khó khăn, vất vả nhưng đầy ắp kỷ niệm thân yêu.
Cũng tại buổi sinh hoạt, thầy cô đã cùng nhau lên ý tưởng và đề xuất về các hoạt động để nâng cao văn hóa Đọc trong đội ngũ những người truyền cảm hứng. Đó là các hoạt động mượn sách thư viện, hóa thân vào sách, điểm sách, book – review… để lan tỏa và nhân rộng tình yêu với sách, giúp hoạt động đọc sách thực sự trở thành niềm đam mê trong mỗi thầy cô và các em học sinh tại trường!
Một số hình ảnh khác của buổi sinh hoạt chuyên môn về chủ đề phát triển văn hóa Đọc: