Là chuyên gia tại vòng Đào tạo của “HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021”, cô Nguyễn Thu Biên – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phenikaa đã có những lời chia sẻ sâu sắc về vấn đề hoạch định tài chính, giúp học sinh biết được cách xây dựng một chiến lược marketing (MKT) và tài chính hiệu quả cho việc triển khai dự án, từ đó có cách thức triển khai dự án ra thị trường một cách khả thi.
“HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp” là cuộc thi được tổ chức thường niên do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì. Đây là Cuộc thi Khởi nghiệp cấp Quốc gia, dành riêng cho khối học sinh (cấp 2,3) và sinh viên trên toàn quốc. Điều đặc biệt quan trọng là dự án cử đi phải là dự án đã chiến thắng Cuộc thi cấp tỉnh/hoặc cấp cơ sở – do trường cử đi mới được tham gia vào vòng sơ loại của Quốc Gia.
Cuộc thi đã được tổ chức năm thứ 4 và đây là năm thứ 2 Phenikaa School đồng hành cùng. Năm nay, có 20/300 dự án dự thi đã xuất sắc lọt vào chung kết.
Năm 2021, theo thể lệ Cuộc thi, BTC tiếp tục tổ chức Vòng đào tạo dành cho 2 khối Học sinh và Sinh viên để giúp các thành viên dự án, thầy cô hướng dẫn được tiếp cận với tri thức mới về Khởi nghiệp để hoàn thành dự án và thể hiện tốt nhất tại các vòng thi tiếp theo.
Năm thứ 3 đồng hành cùng cuộc thi, ở cương vị Chuyên gia của Hội đồng tư vấn, ThS. Nguyễn Thu Biên – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phenikaa đã có những chia sẻ sâu sắc và sát thực về tầm quan trọng cũng như kế hoạch xây dựng một chiến lược Marketing hiệu quả dành cho các em học sinh.
Cô Biên đã mở đầu chương trình bằng câu hỏi: “Sản phẩm trong dự án khởi nghiệp của trường con là gì và hiện nay, các em đã xây dựng chiến lược Marketing như thế nào để có thể quảng cáo được cho sản phẩm của mình?”.
Sau đó, cô Thu Biên đã chia sẻ ở nhiều luận điểm quan trọng, cần thiết đối với chiến lược Marketing cho sản phẩm, bao gồm:
4 yếu tố rất quan trọng trong Marketing khi đứa một sản phẩm ra thị trường; 5 câu hỏi khi lập kế hoạch tài chính; 3 bước để xây dựng Kế hoạch tài chính; 5 câu hỏi khi xây dựng kế hoạch MKT và Các bước triển khai kế hoạch MKT.
Theo đó, cô nhấn mạnh Kế hoạch tài chính chỉ xây dựng được trên Tầm nhìn cùng Mục tiêu của doanh nghiệp. Mục tiêu (gồm có ngắn hạn, dài hạn) với từng chiến lược cụ thể về thương hiệu. Đó cũng là cơ sở để chia nhỏ nguồn vốn theo từng giai đoạn và lộ trình phát triển của doanh nghiệp.
5 câu hỏi khi lập kế hoạch tài chính
- Tổng đầu tư vốn của dự án là bao nhiêu? Nguồn vốn? Vốn ròng (Chiếm 60-70%) để chứng tỏ tiềm lực của mình?
- Xác định mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn. Bao giờ thì sẽ hòa vốn, bao giờ có lợi nhuận
- Chiến lược từng giai đoạn
- Kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn
- Xác định những rủi ro tài chính có thể gặp và phương án giải quyết
3 bước để xây dựng Kế hoạch tài chính gồm có:
Bước 1: Tính điểm hòa vốn: Trung bình mỗi tháng 1 tháng số lượng sản phẩm sản xuất là bao nhiêu và vốn hòa là bao nhiêu?
Bước 2: Xác định nguồn lực tài chính (Giá trị ròng và dòng tiền hiện tại), đặc biệt lưu ý vấn đề vốn lưu động để quản trị rủi ro.
Bước 3: Xác định lộ trình tài chính (5 năm, 1 năm)
Công thức tính điểm hòa vốn = Chi phí cố định/ Giá bán – Chi phí biến đổi
5 câu hỏi khi xây dựng kế hoạch MKT gồm có:
- Mục tiêu của chiến lược: Để tăng trưởng, để tiếp thị & giới thiệu sản phẩm, tiếp thị khách hàng lấy data dữ liệu…
- Hình thức MKT, phương tiện sử dụng: Ví dụ để tiếp thị & giới thiệu sản phẩm cần kết hợp Marketing dưới hai hình thức cả online và offline, nhưng trong tình hình dịch Covid phức tạp thì MKT online sẽ chiếm ưu thế hơn (ví dụ chiếm 60%), còn lại hình thức MKT offline chiếm 40%. Bên cạnh đó, việc lựa chọn hình thức MKT còn tùy thuộc vào sản phẩm, có thể cảm nhận được qua online hay không?
- Từ mục tiêu, tính ra kinh phí là bao nhiêu?
- Thông điệp MKT xuyên suốt theo chủ đề và ý nghĩa
- Phân bổ nguồn lực như thế nào? Nguồn lực tương ứng với việc phân bổ bao nhiêu % doanh thu của chiến lược MKT?
Một phần chuyên gia Nguyễn Thu Biên trình bày chi tiết và có rất nhiều sức hấp dẫn đối với các em học sinh đó chính là việc áp dụng các kênh nào để thực hiện chiến lược MKT của mình. Cụ thể, bao gồm:
Quảng cáo truyền thông xã hội; SEO: Tối ưu hóa công cụ tìm kiểm; Tổ chức các cuộc thi trên social media (Với ưu điểm là nhanh chóng, chi phí tổ chức thấp nhưng mang đến hiệu quả khá tốt, đặc biệt là khi có nội dung content tốt, bắt đúng trend); Tổ chức sự kiện cộng đồng; Xây dựng Forum; Tiếp thị nội dung (Content) (lưu ý ngắn gọn, bắt trend, thông điệp, slogan của giới trẻ).
Với kiến thức đa dạng cùng những ví dụ minh họa sinh động và bài học cùng những câu chuyện “kinh điển” trong ngành Marketing như câu chuyện “Bán lược cho sư”, video quảng cáo như không quảng cáo của camera hành trình Gopro… phần trình bày của cô Biên đã giúp các em học sinh mở rộng vốn kiến thức về Marketing, thêm tự tin và có kế hoạch rõ ràng hơn trong khâu hoạch định tài chính để dự án của mình thêm khả thi. Các em học sinh ở các điểm cầu gửi lời cảm ơn chân thành đến những chia sẻ sâu sắc và cụ thể của cô Thu Biên, đã tiếp thêm sự tự tin cho các em ở những phần thi tiếp theo.
Với nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục cũng như xây dựng thương hiệu, cô Thu Biên đã đưa ra những khái quát, keyword quan trọng nhất mà bất kỳ Marketer cũng cần nắm rõ. Cô cũng khẳng định thêm những yếu tố cần thiết để chiến lược MKT hiệu quả đó là sự sáng tạo, tính thực tế, áp dụng tốt công nghệ vào thực tiễn…