Dạy học phân hóa giúp cho học sinh tiến xa thêm một bước so với tự thân; giúp những học sinh được coi là “delay development” (độ trễ trong giáo dục) tiệm cận và đạt được sự phát triển theo năng lực lứa tuổi; giúp những học sinh vốn đã có những năng lực nổi trội trở thành những người dẫn dắt. Nói ngắn gọn, dạy học phân hóa là tất cả các hoạt động giúp học sinh tiến bộ, bất kể xuất phát điểm của học sinh ở đâu. Mang ý nghĩa giáo dục lớn lao, dạy học phân hóa được coi là sứ mệnh của những người làm giáo dục; thúc đẩy việc nghiên cứu tìm tòi và ứng dụng các kĩ thuật dạy học phân hóa để cá nhân hóa người học.
Nằm trong chuỗi hoạt động nâng cao chuyên môn tại trường PTLC Phenikaa, ngày 13/10/2021, dưới sự chủ trì của Ban giám hiệu, các thầy cô đã cùng nhau chia sẻ những quan điểm, kĩ thuật dạy học phân hóa với Talkshow “Dạy học phân hóa thông qua hoạt động nhóm”. Trong thời gian 90 phút, giáo viên của các tổ Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, KATM và tiếng Anh lần lượt trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ từng khó khăn khi tổ chức mô hình lớp học hiện đại theo định hướng cá nhân hóa việc học tập của học sinh trong dạy học online cũng như dạy học offline.
Chia nhóm thảo luận trên nền tảng số được giáo viên trường Phenikaa sử dụng linh hoạt theo đặc thù của từng môn học. Theo cô Trần Quỳnh Hương – Tổ trưởng tổ Khoa học Tự nhiên, các tiết luyện tập và bổ trợ, việc phân hóa theo nhóm sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn. Đồng thời, các thầy cô nhóm Toán, dựa trên sự phát triển tâm lý, sở thích của học sinh đã thực hiện việc “gắn sao” “gắn bí ngô” theo các cấp độ tư duy của bài tập nhằm kích thích trí tò mò và khả năng chinh phục của học sinh.
Trong khi đó, cô Hồ Thị Huyền Trang, đại diện tổ Khoa học xã hội nhấn mạnh tới các kĩ thuật phân hóa trong Teams theo 2 cách Automatically & Manually (tự động và theo kịch bản), những ưu và nhược điểm cùng với một số Tips (mẹo) hiệu quả để giúp giáo viên sử dụng việc chia nhóm chủ động và thuần thục.
Tổ KATM mang những đặc trưng bộ môn, giáo viên phân chia nhóm dựa trên năng lực học sinh theo những cách thức linh hoạt, đa dạng. Trong tiết học kĩ năng sống về chủ đề “Tâm sinh lý tuổi dậy thì”, nhằm tạo không gian chia sẻ thoải mái, cở mở, giữ được sự “kín đáo”, cô Bích Hòa đã chia nhóm học theo đặc điểm giới tính thay vì dựa trên năng lực học sinh. Âm nhạc và Thể dục dựa trên thể chất, năng khiếu của từng cá nhân để tiến hành phân hóa. Theo thầy Ngọc Tú – chủ nhiệm môn Âm nhạc, từ việc cảm nhận giọng hát của học sinh, thầy Tú đã tạo ra những bản beat khác nhau, phù hợp từng tone giọng.
Mô hình lớp học đảo ngược được sử dụng chính trong các giờ tiếng Anh với việc giáo viên giao nhiệm vụ học tập phù hợp theo năng lực Nghe – Nói – Đọc – Viết. Vai trò dẫn dắt của những học sinh có kiến thức tốt được thể hiện nhằm hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn tại một đơn vị kiến thức cụ thể nào đó. Thời gian tới, học sinh tại các tiết tiếng Anh sẽ được phân hóa theo cá tính, sở thích nhằm thiết kế hoạt động học tập đáp ứng tâm lý, nhu cầu của người học.
Tại buổi Talkshow, giáo viên các tổ cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức gặp phải trong việc dạy học online: đường truyền internet, quản lý và theo dõi các nhóm thảo luận,…
Phương pháp dạy học cá nhân hóa được toàn thể giáo viên trường Trung học Phenikaa thể hiện nhất quán trên các phương diện: thiết kế, biên soạn chương trình, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Tại Phenikaa, thầy cô đã và đang trao cho học sinh khả năng tự làm chủ trải nghiệm học tập của chính mình. Mong rằng, với sứ mệnh cao cả của người làm thầy, cùng với tính ưu việt của việc cá nhân hóa học tập, những Pheniker sẽ ngày càng trưởng thành hơn, tự tin hơn để vươn tới những chân trời tri thức mới.