Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc giảng dạy các môn khoa học trong trường học ngày càng được chú trọng. NGSS (Next Generation Science Standards) ra đời nhằm đổi mới cách dạy và học khoa học. Vậy NGSS là gì? Tiêu chuẩn này có gì khác biệt so với các chương trình trước đây? Khám phá ngay trong bài viết dưới đây!
1. NGSS là gì?
NGSS – Next Generation Science Standards (dịch: Tiêu chuẩn khoa học thế hệ mới), là bộ tiêu chuẩn khoa học dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tại Hoa Kỳ. Được phát triển bởi một liên minh gồm 26 bang cùng với các tổ chức giáo dục uy tín, NGSS đặt ra những kỳ vọng về kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt được trong lĩnh vực khoa học.
Với NGSS, học sinh sẽ được học Khoa học với tiêu chuẩn “phong phú về nội dung và thực tiễn, được sắp xếp một cách chặt chẽ giữa các ngành và cấp lớp để cung cấp cho tất cả học sinh một nền giáo dục khoa học đạt chuẩn quốc tế.”
NGSS là tiêu chuẩn bắt buộc đối với mọi chương trình giáo dục STEM, đảm bảo học sinh có nền tảng khoa học vững chắc, phù hợp với yêu cầu phát triển của thế kỷ 21. NGSS chính thức được công bố vào tháng 4/2013 và nhanh chóng được nhiều bang tại Mỹ cùng các quốc gia khác triển khai như Phần Lan, Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc…

2. 4 lĩnh vực khoa học được giảng dạy trong chương trình chuẩn NGSS
Chương trình NGSS chia nội dung khoa học thành bốn lĩnh vực chính, mỗi lĩnh vực tập trung vào các khía cạnh cụ thể nhằm giúp học sinh phát triển kiến thức và kỹ năng toàn diện:
2.1. Khoa học Vật lý
Chương trình giảng dạy Khoa học Vật lý được thiết kế để học sinh hiểu các khái niệm cơ bản trong Vật lý và Hóa học cũng như thực hành để hiểu sâu về bản chất. Chương trình này bao gồm các chủ đề như:
- Vật chất – Cấu trúc và Tính chất: Học sinh sẽ học về các tính chất và hành vi của vật chất, bao gồm tính chất vật lý và hóa học, các trạng thái của vật chất và các thay đổi mà vật chất có thể trải qua. Học sinh cũng sẽ tìm hiểu về bản chất của nguyên tử và phân tử cũng như vai trò của chúng trong cấu trúc của vật chất.
- Phản ứng Hóa học: Học sinh khám phá các loại phản ứng hóa học, cách cân bằng phương trình hóa học, cách sử dụng khái niệm mol; tìm hiểu về hành vi của khí, dung dịch và các phản ứng axit-bazơ, oxi hóa-khử.
- Lực và Tương tác: Học sinh học về các loại lực như trọng lực, ma sát và lực căng, cùng với các định lý chuyển động của Newton, công và năng lượng, động lượng.
- Năng lượng: Học sinh tìm hiểu về các dạng năng lượng, quá trình truyền và biến đổi năng lượng, cùng các định lý nhiệt động lực học và nhiệt độ.
- Sóng và Thông tin: Học sinh nghiên cứu các tính chất sóng, bao gồm sóng điện từ và sóng âm, cùng với cách thức sóng được sử dụng trong truyền tải thông tin, các khái niệm như tần số, biên độ, bước sóng và vật lý màu sắc.
Chương trình học sẽ bao gồm các hoạt động thí nghiệm thực tế và phân tích dữ liệu, giúp học sinh phát triển kỹ năng nghiên cứu và kết nối các khái niệm khoa học với ứng dụng thực tế. Chương trình cũng tạo cơ hội cho học sinh thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện qua các mô phỏng và hình ảnh tương tác.

2.2. Khoa học Sự sống
Khoa học Sự sống là một trong những lĩnh vực khoa học trọng yếu, tập trung vào nghiên cứu các sinh vật sống và sự tương tác của chúng với môi trường.
Các chủ đề chính trong Khoa học Sự sống theo NGSS bao gồm:
- Cấu trúc và Chức năng của Sinh vật: Học sinh sẽ tìm hiểu về cấu trúc vật lý và sinh học của các sinh vật sống, từ tế bào đến các cơ quan và hệ thống, và cách các cấu trúc này hỗ trợ các chức năng sống.
- Tăng trưởng, Phát triển và Sinh sản: Chủ đề này giúp học sinh hiểu cách các sinh vật sống phát triển, sinh trưởng và sinh sản, bao gồm nghiên cứu di truyền học và sự phân chia tế bào.
- Hệ sinh thái: NGSS nhấn mạnh việc nghiên cứu các hệ sinh thái, bao gồm sự truyền năng lượng, chuỗi thức ăn và sự phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật trong môi trường. Học sinh sẽ khám phá cách các sinh vật tương tác với nhau và với môi trường xung quanh.
- Di truyền và Gen: Chủ đề này đề cập đến các nguyên lý di truyền, bao gồm các mẫu di truyền, sự biến đổi di truyền và cách các đặc điểm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Tiến hóa: Học sinh sẽ tìm hiểu về lý thuyết tiến hóa, chọn lọc tự nhiên và cách các loài thay đổi theo thời gian. Điều này bao gồm việc nghiên cứu hóa thạch, bằng chứng di truyền và các sự thích nghi giúp sinh vật tồn tại trong môi trường của chúng.
- Tương tác và Mối quan hệ: Khoa học Sự sống trong NGSS cũng nghiên cứu cách các sinh vật tương tác với môi trường và các loài khác, bao gồm tác động của các hoạt động của con người đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

2.3. Khoa học Trái đất và Không gian
Khoa học Trái đất và Không gian là môn học giúp học sinh hiểu Trái đất và vũ trụ bên ngoài. Các chủ đề chính trong Khoa học Trái đất và Không gian theo NGSS bao gồm:
- Hệ thống Trái đất: Địa quyển (đất), thủy quyển (nước), khí quyển (khí), sinh quyển (sự sống), thời tiết, khí hậu và chu trình nước.
- Kiến tạo mảng và Cấu trúc Trái đất: Chủ đề này tập trung vào cấu trúc của Trái đất, bao gồm các lớp của Trái đất (vỏ, lớp manti, lõi), và lý thuyết kiến tạo mảng, giải thích sự di chuyển của các mảng Trái đất và cách chúng gây ra động đất, núi lửa và hình thành núi.
- Thời tiết và Khí hậu: Học sinh nghiên cứu nguyên nhân và tác động của các mô hình thời tiết, điều kiện khí quyển, xu hướng khí hậu dài hạn, cách khí quyển ảnh hưởng đến thời tiết và cách con người tác động đến biến đổi khí hậu.
- Tài nguyên Trái đất: Nghiên cứu các tài nguyên thiên nhiên (nước, khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch), phân biệt tài nguyên tái tạo và không tái tạo, tìm hiểu cách sử dụng và quản lý các tài nguyên này một cách bền vững.
- Hệ thống Không gian: Hệ mặt trời, các ngôi sao, dải ngân hà và vũ trụ; tìm hiểu về sự chuyển động của các thiên thể, đặc điểm của các hành tinh và mặt trăng, cùng các hiện tượng không gian như trọng lực và vòng đời của các ngôi sao.
- Tác động của con người lên Trái đất và Không gian: Cách các hoạt động của con người, như thám hiểm không gian, phá rừng, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, tác động đến các hệ thống của Trái đất và môi trường không gian.

2.4. Kỹ thuật và Thiết kế
Trong Tiêu chuẩn Khoa học Thế hệ Mới (NGSS), Kỹ thuật và Thiết kế được tích hợp xuyên suốt trong suốt quá trình học. Lĩnh vực này yêu cầu học sinh tham gia thực hành kỹ thuật song song với nghiên cứu khoa học truyền thống. Qua đó, học sinh có thể nhận thức được vai trò của khoa học và kỹ thuật trong việc giải quyết các thách thức xã hội quan trọng, như sản xuất năng lượng, phòng chống bệnh tật và bảo vệ môi trường.
Các yếu tố chính của Kỹ thuật và Thiết kế trong NGSS bao gồm:
- Xác định vấn đề: Học sinh học cách nêu rõ vấn đề cần giải quyết, xác định các tiêu chí thành công và các giới hạn hạn chế đối với các giải pháp khả thi.
- Thiết kế giải pháp: Học sinh tạo ra nhiều giải pháp khả thi và đánh giá chúng dựa trên khả năng đáp ứng các tiêu chí và hạn chế của vấn đề.
- Tối ưu hóa giải pháp: Giải pháp được kiểm tra và cải tiến qua một quy trình lặp đi lặp lại, cải thiện bằng cách điều chỉnh các yếu tố ít quan trọng hơn để ưu tiên cho những yếu tố quan trọng hơn.

3. 3 yếu tố tạo nên chương trình học chuẩn NGSS
Chương trình NGSS (Next Generation Science Standards) không chỉ cung cấp kiến thức khoa học mà còn trang bị tư duy, kỹ năng và phương pháp tiếp cận khoa học hiện đại. Ba yếu tố cốt lõi dưới đây giúp NGSS trở thành một tiêu chuẩn giáo dục khoa học tiên tiến, thúc đẩy học sinh hiểu sâu, tư duy sáng tạo và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
3.1. Tư duy liên môn (Crosscutting concepts)
Thay vì học từng môn khoa học riêng lẻ, NGSS khuyến khích tư duy liên môn để học sinh hiểu mối quan hệ giữa các lĩnh vực khoa học bao gồm Khoa học vật lý, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Không gian, Thiết kế kỹ thuật.
Mục tiêu của tư duy liên môn là đảm bảo học sinh phát triển tối đa sức sáng tạo, biết cách quan sát đa chiều về mọi vấn đề và củng cố tư duy phản biện, phân tích.
3.2. Kiến thức chuyên sâu (Disciplinary Core Ideas)
NGSS không dạy khoa học theo kiểu rập khuôn mà hướng đến việc đào sâu kiến thức theo từng cấp độ, giúp học sinh hiểu bản chất thay vì chỉ học thuộc lòng.
Mỗi cấp lớp, học sinh sẽ được tiếp cận với các khái niệm cốt lõi của từng lĩnh vực và dần nâng cao độ phức tạp, giúp hình thành nền tảng vững chắc theo một lộ trình logic. Việc học tập theo chiều sâu không chỉ giúp học sinh nắm chắc kiến thức mà còn tạo điều kiện để tự nghiên cứu, khám phá và áp dụng vào thực tế, từ đó phát triển khả năng tư duy khoa học một cách độc lập.
3.3. Thực hành khoa học và kỹ thuật (Science and Engineering Practices)
Một trong những điểm nổi bật nhất của NGSS là việc khuyến khích học sinh học thông qua thực hành, thay vì chỉ tiếp thu lý thuyết thụ động.
NGSS xây dựng chương trình học theo hướng ứng dụng khoa học vào thực tiễn, mô phỏng cách các nhà khoa học nghiên cứu thế giới tự nhiên và cách các kỹ sư thiết kế, sáng tạo ra công nghệ.
Trong chương trình học, học sinh sẽ được trực tiếp quan sát, đặt câu hỏi, thử nghiệm, thu thập dữ liệu và kiểm chứng giả thuyết, giúp các em hiểu rõ nguyên lý thay vì học vẹt.
Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật vào quá trình học tập giúp học sinh phát triển tư duy thiết kế và giải quyết vấn đề, từ việc chế tạo mô hình năng lượng tái tạo cho đến lập kế hoạch nghiên cứu khoa học. Điều này không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tư duy logic và khả năng làm việc nhóm, những kỹ năng quan trọng trong thế giới hiện đại.

4. So sánh chương trình học chuẩn NGSS và chương trình học truyền thống
Chương trình NGSS được thiết kế để khắc phục những hạn chế của phương pháp giảng dạy khoa học truyền thống. Thay vì chỉ tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức, NGSS hướng đến tư duy khám phá, thực hành và ứng dụng khoa học vào thực tế. Dưới đây là bảng so sánh chi tiết giữa chương trình NGSS và chương trình học khoa học truyền thống:
Tiêu chí | Chương trình học chuẩn NGSS | Chương trình học truyền thống |
Cách tiếp cận | Học qua trải nghiệm, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, khám phá và ứng dụng thực tế | Học theo cách truyền thống, tập trung vào lý thuyết và ghi nhớ |
Cấu trúc chương trình | Học theo chủ đề liên ngành, kết hợp giữa Khoa học vật lý, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Không gian, Thiết kế kỹ thuật | Tách biệt từng môn khoa học, học sinh chỉ tiếp cận từng lĩnh vực riêng lẻ |
Phương pháp giảng dạy | Lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, làm thí nghiệm và giải quyết vấn đề | Học sinh chủ yếu tiếp thu kiến thức thông qua bài giảng, ít có cơ hội tự khám phá |
Thời lượng thực hành | Chiếm tỷ lệ lớn trong chương trình, học sinh thực hành nhiều qua thí nghiệm, dự án, nghiên cứu khoa học | Thực hành hạn chế, thường chỉ có một số buổi thí nghiệm cơ bản hoặc minh họa |
Liên kết môn học | Có | Không |
Hình thức đánh giá | Đánh giá toàn diện, không chỉ qua bài kiểm tra mà còn qua dự án, nghiên cứu, báo cáo khoa học và trình bày thuyết trình | Dựa trên bài kiểm tra định kỳ, chủ yếu là bài kiểm tra lý thuyết |
Mục tiêu giảng dạy | Trang bị kiến thức chuyên sâu, rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề thực tiễn | Cung cấp kiến thức nền tảng nhưng ít tập trung vào ứng dụng thực tế và kỹ năng sáng tạo |
Như vậy, so với chương trình học cũ, chương trình học chuẩn NGSS có một số cải tiến nổi bật như:
- Cách tiếp cận mới: Học sinh đóng vai trò chủ động trong việc tìm hiểu khoa học thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động.
- Tích hợp liên môn: NGSS kết nối các lĩnh vực khoa học Vật lý, Sinh học, Khoa học Trái đất và Kỹ thuật, giúp học sinh hiểu sự liên kết giữa các khái niệm.
- Tăng cường thực hành và nghiên cứu: NGSS chú trọng vào thí nghiệm, nghiên cứu, dự án thực tiễn, thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết.
- Phương pháp đánh giá đa dạng: Không chỉ đánh giá qua bài kiểm tra lý thuyết, NGSS sử dụng nhiều phương pháp như dự án khoa học, bài thuyết trình, báo cáo nghiên cứu, phản ánh đúng khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của học sinh.

5. Mô tả lớp học theo chuẩn NGSS
Lớp học theo tiêu chuẩn NGSS (Next Generation Science Standards) không còn giới hạn trong những bài giảng lý thuyết đơn thuần, mà trở thành một không gian học tập tương tác, thực hành và sáng tạo. Học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn chủ động đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề và áp dụng khoa học vào thực tế.
Dưới đây là những đặc điểm chính của một lớp học NGSS:
- Giảng dạy dựa trên hiện tượng thực tế: Các bài học NGSS thường bắt đầu bằng những hiện tượng thực tế (có thể quan sát được) để khơi dậy sự tò mò của học sinh. (Ví dụ, học sinh có thể điều tra cách ánh sáng uốn cong khi đi qua nước, hoặc khám phá lý do tại sao hoa hướng dương ở một khu vực cụ thể lại chết). Những hiện tượng này đóng vai trò là điểm khởi đầu để thúc đẩy bài học.
- Đề cao sự chủ động của học sinh: Lớp học NGSS nhấn mạnh việc trao cho học sinh nhiều trách nhiệm hơn trong việc học. Học sinh tham gia vào việc tự khám phá, đặt câu hỏi, thiết kế cuộc điều tra và hiểu các phát hiện của mình. Giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ thay vì là nguồn kiến thức chính, giúp học sinh khám phá những ý tưởng và giả thuyết.
- Hợp tác và giao tiếp: Học sinh làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng và hợp tác giải quyết vấn đề. Thông qua các cuộc thảo luận, thuyết trình và báo cáo viết, học sinh truyền đạt các phát hiện của mình và làm sâu sắc thêm hiểu biết của bản thân.
- Tích hợp Kỹ thuật: Học sinh không chỉ học kiến thức khoa học mà còn áp dụng kiến thức đó để thiết kế, thử nghiệm và hoàn thiện các giải pháp cho các thử thách thực tế. (Ví dụ, học sinh có thể làm một dự án kỹ thuật, như thiết kế một mô hình để giải quyết một vấn đề môi trường cụ thể).
- Tiếp cận công bằng: Giảng dạy NGSS đảm bảo rằng tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh, đều có quyền tiếp cận một nền giáo dục khoa học chất lượng cao. Chương trình học được thiết kế để bao gồm và hỗ trợ các nhu cầu học tập đa dạng thông qua các phương pháp và tài nguyên giảng dạy khác nhau.

Phương pháp giảng dạy trong lớp học NGSS:
- Ưu tiên thực hành: Thay vì chỉ đọc hay lắng nghe, học sinh sẽ cần tham gia các thí nghiệm hoặc thực hiện nghiên cứu để khám phá các khái niệm khoa học, thu thập dữ liệu, quan sát và rút ra kết luận.
- Kết nối với thực tế: Các bài học thường được thiết kế để cho học sinh thấy cách khoa học áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, làm cho nội dung học trở nên có ý nghĩa và liên quan hơn.
Trong lớp học NGSS, trọng tâm là học qua hành động và phát triển các kỹ năng cần thiết để suy nghĩ phản biện, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Học sinh được khuyến khích tò mò, đặt câu hỏi và khám phá thế giới xung quanh qua lăng kính khoa học.

6. Lợi ích khi học chương trình giáo dục chuẩn NGSS
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, NGSS (Next Generation Science Standards) không chỉ cung cấp kiến thức khoa học mà còn giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu và khả năng ứng dụng vào thực tế:
- Cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong và ngoài lĩnh vực STEM: Hiện tại, có nhiều công việc yêu cầu kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) hơn trước. Vì vậy, NGSS cung cấp một nền giáo dục khoa học vững chắc giúp học sinh phát triển khả năng tư duy phản biện, phân tích thông tin và giải quyết các vấn đề phức tạp – những kỹ năng quan trọng không chỉ trong lĩnh vực STEM mà còn có thể áp dụng trong nhiều ngành nghề khác như kinh tế, tài chính và quản lý.
- Trang bị nền tảng vững chắc để học tập và làm việc trong nền kinh tế toàn cầu: Với NGSS, học sinh sẽ nắm chắc kiến thức lý thuyết và củng cố các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, hợp tác, điều tra, giải quyết vấn đề… Đây là những năng lực cần thiết để thích nghi với nền kinh tế toàn cầu, nơi mà khả năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo đóng vai trò quan trọng.
- Trải nghiệm học tập hấp dẫn: Không giống như phương pháp học truyền thống, NGSS tập trung vào học qua thực hành và ứng dụng thực tế, giúp học sinh hứng thú hơn với khoa học. Các bài học không còn khô khan mà trở nên sinh động nhờ các thí nghiệm, dự án nghiên cứu và ứng dụng thực tế. Học sinh không chỉ hiểu bài nhanh hơn mà còn thấy được giá trị của khoa học trong cuộc sống hàng ngày, từ đó khơi dậy đam mê khám phá và sáng tạo.
- Hiểu sâu, nhớ lâu: Chương trình NGSS được thiết kế theo mô hình học tập có sự tiếp nối, nghĩa là kiến thức ở các lớp trước sẽ bổ trợ và làm nền tảng cho các lớp sau. Học sinh không chỉ học để thi mà được đào sâu vào từng chủ đề để hiểu rõ bản chất vấn đề thay vì chỉ ghi nhớ máy móc. Qua đó, học sinh có thể nâng cao khả năng tư duy logic, hỗ trợ học sinh ghi nhớ lâu hơn và dễ dàng vận dụng vào thực tế.

7. Giới thiệu chương trình học theo chuẩn NGSS của Phenikaa School
Trường Phổ thông Liên Cấp Phenikaa (Phenikaa School) với 3 cấp học Tiểu học – THCS – THPT là trường học hạnh phúc, truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ Việt Nam với triết lý giáo dục Nhân văn – Cộng tác – Sáng tạo.
Tại Phenikaa School, học sinh được bồi dưỡng một cách toàn diện về kiến thức và kỹ năng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, tự tin là công dân toàn cầu. Hiện tại, Phenikaa School đang có 3 chương trình học, bao gồm:
- Hệ Song ngữ Mỹ: Cấu phần gồm các môn cơ bản của Bộ GD&ĐT, với nội dung được cập nhật, tinh gọn, bổ sung các hoạt động thực hành, trải nghiệm; chương trình tiếng Anh ngôn ngữ và văn học (ELA); chương trình Toán và Khoa học bằng tiếng Anh; chương trình Giáo dục Nghệ thuật, Thể chất, Kỹ năng; chương trình STEM và Công nghệ thông tin.
- Hệ Chất lượng cao: Cấu phần gồm các môn cơ bản của Bộ GD&ĐT, với nội dung được cập nhật, tinh gọn; bổ sung các hoạt động thực hành, trải nghiệm; chương trình tiếng Anh; chương trình Giáo dục Nghệ thuật, Thể chất, Kỹ năng; chương trình STEM và Công nghệ thông tin.
- Hệ Tiêu chuẩn: Cấu phần gồm chương trình của Bộ GD&ĐT, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, bổ sung các hoạt động thực hành, trải nghiệm; chương trình bổ trợ kiến thức và kỹ năng sống/kỹ năng thế kỷ 21

Tại Phenikaa School, NGSS là tiêu chuẩn để xây dựng chương trình Giáo dục STEM với:
- Không gian học tập truyền cảm hứng sáng tạo: Lớp học tại Phenikaa School được thiết kế theo hướng hiện đại, thân thiện, kích thích tư duy sáng tạo. Nhà trường xây dựng mô hình học tập trải nghiệm, khuyến khích học sinh học qua thực hành, nghiên cứu và khám phá. Học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức khoa học mà còn rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Hệ thống phòng thí nghiệm và không gian thực hành dự án hiện đại: Phenikaa School sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn NGSS, phục vụ giảng dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các phòng thí nghiệm này được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, giúp học sinh thực hành, nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tế.
- Không gian sáng tạo Makerspace rộng gần 1000m²: Một trong những điểm nhấn của chương trình NGSS tại Phenikaa School là Makerspace – không gian sáng tạo rộng gần 900m² – 1000m², được trang bị công nghệ tiên tiến như máy in 3D, máy khắc laser, microbit, robotics, xưởng IoT, xưởng mộc, xưởng thiên văn, AR, VR, giúp học sinh thực hành sáng chế, thiết kế và phát triển các kỹ năng STEM. Đây là môi trường lý tưởng để học sinh học tập theo phương pháp dự án, trải nghiệm thực tế và sáng tạo đổi mới, từ đó phát triển năng lực giải quyết vấn đề và tư duy khoa học

NGSS không chỉ là một bộ tiêu chuẩn khoa học, mà còn là bước tiến trong giáo dục, giúp học sinh học qua trải nghiệm, phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Với cách tiếp cận liên ngành, chú trọng thực hành và ứng dụng thực tế, NGSS trang bị cho học sinh nền tảng khoa học vững chắc, sẵn sàng cho học tập, nghề nghiệp và những thách thức trong thế kỷ 21.
Nếu quan tâm đến chương trình học chuẩn NGSS tại Phenikaa School, quý phụ huynh và học sinh có thể liên hệ nhà trường qua các phương thức sau:
- Địa chỉ: Số 8 đường Tu Hoàng, Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Hotline: 086 992 7887 – (024) 335 455 66
- Email: [email protected]
- Website: https://phenikaa.edu.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/truongphothongliencapphenikaa