Lịch sử là môn học gắn với nhiều sự kiện, số liệu nên học sinh cảm thấy khó nhớ nếu giáo viên chỉ dựa vào sách giáo khoa và yêu cầu ghi nhớ.
Xem thêm:
- Suối Nguồn tình yêu – nơi yêu thương vun đắp
- Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm chia sẻ 3 tiêu chí quan trọng trong việc chọn trường cấp 2 cho con
- TS. Lịch sử Phạm Văn Giềng: “Giáo viên là một nghề đặc biệt, người thầy luôn lấy niềm vui và thành công của học sinh là thành công chính mình”.
Để học trò hiểu rõ quá khứ, trân trọng hiện tại, thấy được giá trị môn học, các thầy cô đã vận dụng đa phương pháp vào dạy học.
Nỗ lực đổi mới phương pháp
Để học trò yêu và trân trọng môn Lịch sử, bỏ qua định kiến khô khan, nhiều số liệu, việc dạy học được sử dụng các phương pháp như ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập tài liệu tham khảo qua bài báo, video, phim tài liệu, trò chơi giáo dục… là cách TS Phạm Văn Giềng – giáo viên môn Lịch sử, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) triển khai để “tiếp lửa” cho học trò.
Mỗi tiết học, thầy Giềng liên kết sự kiện lịch sử với cuộc sống hiện tại để học sinh nhận thức được tầm quan trọng của môn học. “Trong quá trình giảng dạy, tôi khuyến khích học sinh phát biểu, đưa ra ý kiến, hiểu biết qua thảo luận, dự án nghiên cứu.
Đồng thời, liên hệ các vấn đề toàn cầu như: Khủng hoảng kinh tế thế giới, chủ nghĩa khủng bố, tranh chấp chủ quyền hay những vấn đề trong nước. Từ đó, các em có cơ hội phát triển ý tưởng trong học tập, nghiên cứu lịch sử”, TS Phạm Văn Giềng chia sẻ.
Theo thầy Giềng, tâm lý của học sinh là tò mò, thích khám phá điều chưa biết. Do đó, người thầy có thể khai thác nhiều câu chuyện lịch sử hoặc dẫn dắt vào môn học bằng quá trình khám phá tri thức mới, tổ chức trò chơi, hoạt động trải nghiệm gắn với tình huống cụ thể, tạo ra sản phẩm học tập mô phỏng, đóng vai nhân vật lịch sử giải quyết tình huống, kết nối kiến thức lịch sử quá khứ và hiện tại để phân tích, nhận diện vấn đề…
Thông qua các phương pháp, hoạt động này, học sinh sẽ hứng thú tiếp nhận kiến thức thay vì bị động đuổi theo. “Lúc này, giáo viên không chỉ là người giảng dạy mà phải truyền cảm hứng cho học sinh tìm hiểu, nghiên cứu. Từ đó, môn Lịch sử được các em tiếp nhận tự nhiên, không gò bó, ép buộc”, thầy Giềng nói.
Mặt khác, để học sinh thêm yêu môn Lịch sử, ngoài thời gian học ở lớp, thầy Giềng tổ chức tham quan di tích, địa điểm ngoài trời gắn với môn học; tổ chức dự án học tập cho học sinh tham gia.
Với cô Phạm Thị Nguyệt – giáo viên môn Lịch sử, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên) lại lan tỏa tình yêu môn Lịch sử đến học trò bằng những câu chuyện từ cuộc sống, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các em trong quá trình học để hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
Cô Nguyệt bày tỏ: “Bất kể môn học nào, thầy cô phải là người truyền cảm hứng cho học sinh khám phá tri thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng thái độ học tập tích cực, chủ động, phát huy năng lực sáng tạo, tự chủ.
Người thầy cần đổi mới phương pháp giảng dạy và kiến thức chuyên môn, tự nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm tài liệu, trao đổi với đồng nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Với môn Lịch sử cũng vậy, khi giảng dạy phải phù hợp từng nhóm học sinh, làm sao để truyền tải tốt nhất nội dung bài giảng; có ví dụ liên hệ thực tiễn sinh động áp dụng vào thực tế thì các em mới dễ nhớ và hiểu bài”.
Mặt khác, cô Nguyệt phối hợp với nhà trường, Đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn Lịch sử tổ chức tiết học ngoài giờ, tham quan địa danh.
“Học trò đều sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, ít nhất một lần các em cần được đến địa danh lịch sử quê hương để hiểu những chiến tích vang dội năm châu của cha ông ra sao. Từ đó, giáo dục lòng biết ơn anh hùng liệt sĩ không tiếc máu xương vì độc lập tự do Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống lịch sử, ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền, lý tưởng cách mạng, tình đoàn kết dân tộc”, nữ nhà giáo chia sẻ.
Cởi bỏ áp lực
Lường Thị Kim Duyên – học sinh lớp 12C3, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chia sẻ, quá trình lựa chọn tổ hợp C00, em lo nhất môn Lịch sử. Tuy nhiên, bước vào lớp 10, được thầy cô dạy môn học hỗ trợ, cố vấn phương pháp học hiệu quả, phù hợp đã cởi bỏ hoàn toàn trong em áp lực, lo lắng học môn Lịch sử khô khan, thi khó đạt điểm cao…
Duyên chia sẻ: “Trên lớp, thầy cô biến giờ học nhiều số liệu, sự kiện… thành tiết học khám phá hấp dẫn. Cùng đó, một số tiết học được lồng ghép hoạt động trải nghiệm khiến chúng em bị cuốn hút theo”.
Không chỉ vậy, mỗi tiết học lịch sử của thầy, cô Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên ngoài giảng kiến thức trong khuôn khổ sách giáo khoa còn lồng ghép những thước phim tài liệu, tranh ảnh được sưu tầm để học trò có cơ hội khám phá thêm nhiều điều thú vị, mới mẻ.
“Từ những tiết học môn Lịch sử, thầy cô dạy chúng em trân trọng quá khứ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Thầy, cô đã trở thành người truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào lịch sử nói riêng và Tổ quốc nói chung trong mỗi học trò. Từ đó, môn học Lịch sử có sức hấp dẫn riêng, chúng em bước qua những rào cản, định kiến để học tập hiệu quả”, Duyên chia sẻ thêm.
Nhấn mạnh vai trò của người thầy trong quá trình xây dựng phương pháp dạy học môn Lịch sử, Nguyễn Thị Khánh Huyền – học sinh lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) – thí sinh đoạt giải Ba tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm 2024 chia sẻ, học môn Lịch sử, ngoài đam mê, nỗ lực học tập của bản thân thì thầy cô chính là người định hướng, giúp việc tiếp cận, khám phá kiến thức khoa học, dễ hiểu và nhớ.
Đặc biệt theo Khánh Huyền, môn Lịch sử gắn với nhiều mốc sự kiện khiến học sinh cảm giác ngại học bởi vậy các thầy cô luôn có những “tuyệt chiêu”, cách tổ chức hoạt động hiệu quả nhằm tăng sức hấp dẫn cho từng bài giảng. Thầy cô đã bổ sung thông tin, dữ liệu cho bài học, kết hợp đánh giá phân tích sự kiện, giải quyết những băn khoăn cho trò.
“Để mỗi tiết học môn Lịch sử không khô khan, nhàm chán, thầy, cô giáo dạy môn Lịch sử đã lồng ghép các video hình ảnh qua từng thời kỳ phù hợp bài học để tăng thêm kiến thức. Chúng em được nghe thầy cô kể những câu chuyện thú vị, bổ ích về nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới; định hướng nhiều cách học sử tốt; chữa bài tỉ mỉ, sát sao để nhận ra những vấn đề mình đang yếu. Việc học lịch sử thực sự hấp dẫn, mới mẻ và tạo hứng thú”, Huyền chia sẻ.
“Để học sinh yêu môn Lịch sử, chúng tôi tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”; gameshow “Âm vang Điện Biên”, cho các em tham quan di tích lịch sử Đồi A1, đền thờ anh hùng liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam…”, cô Phạm Thị Nguyệt – Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên) cho biết.