TS. Phạm Văn Giềng tốt nghiệp loại giỏi ngành lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với 11 năm kinh nghiệm giảng dạy môn học Lịch sử. Thầy Phạm Giềng cũng tốt nghiệp loại giỏi ngành Lịch sử Đảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2021, thầy Phạm Giềng bảo vệ Luận án Tiến sĩ đạt loại xuất sắc tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với hơn một thập kỷ gắn bó với môn Lịch sử, với văn hóa và truyền thống của dân tộc và của thế giới, thầy Phạm Giềng luôn tìm tòi, nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức của môn học tưởng dễ nhưng không dễ, tưởng khô khan nhưng chẳng hề khô khan này đến với mỗi đối tượng khác nhau.
Thầy giáo Phạm Giềng có thế mạnh giảng dạy các môn ở bậc Đại học như Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử đối ngoại, ngoại giao; Giáo dục kỹ năng sống… Bên cạnh đó, thầy giáo 8X còn có rất nhiều năm kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời tham vấn các hoạt động tổ chức các sự kiện, Hội thảo, hoạt động cho sinh viên…
Đến nay, thầy giáo Phạm Giềng đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ như Giải nhất Hội thi Giảng viên giỏi NVSP toàn quốc của Bộ GD&ĐT năm 2020, là gương mặt Đảng viên trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020. Bên cạnh đó, thầy giáo cũng là người trực tiếp huấn luyện đội tuyển Olympic các môn Khoa học Mác-Lênin TP. Hà Nội năm 2019 và đạt giải Ba toàn quốc…
Với TS Phạm Giềng, ở mỗi môi trường và đối tượng học sinh khác nhau, thầy đều mang đến những phương pháp truyền đạt và cách tiếp cận linh hoạt ở nhiều góc cạnh khác nhau.
Chia sẻ về công tác giảng dạy, thầy cho hay: “Tôi thích câu nói của nhà văn William A. Ward (Hoa Kỳ): “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng. Trong 11 năm dạy học, tôi luôn muốn được làm việc ở một môi trường nhân văn, sáng tạo và truyền cảm hứng”.
Niềm yêu thích học tập, nghiên cứu và khám phá Lịch sử dân tộc giúp thầy Phạm Giềng có thêm niềm đam mê lan tỏa tình yêu môn học này đến các thế hệ học sinh. Bởi lịch sử không chỉ là câu chuyện của quá khứ, đó còn là niềm tự hào dân tộc, là hành trình khám phá và trân trọng văn hóa thế giới. Những bài học lịch sử sẽ rất có ích để thế hệ mai sau tỏ lòng kính trọng các thế hệ cha ông đã có công dựng xây Tổ quốc, đồng thời lịch sử cũng là cơ sở để các em học sinh tiếp nối niềm tự hào dân tộc nhằm đạt được những mục tiêu ở hiện tại và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Chia sẻ về lý do lựa chọn nghề Giáo, thầy tâm sự: “Giáo viên là nghề đặc biệt. Chúng tôi luôn lấy niềm vui và thành công của người khác là thành công của mình. Chúng tôi luôn đồng hành cùng học sinh trong hành trình chinh phục kiến thức, khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống. Mỗi sự tiến bộ của học trò là nguồn động lực để thầy cô cố gắng trong từng tiết giảng. Tôi chọn nghề giáo vì muốn tạo ra những điều kì diệu. Những nụ cười của học sinh khi đạt được một mục tiêu nào đó, sự hạnh phúc của các bậc phụ huynh khi chứng kiến con mình trưởng thành, biết yêu thương và trân trọng những gì các con có được là những điều kì diệu. Chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thì hãy bắt đầu từ giáo dục”.
Khi được hỏi lý do chọn Phenikaa School là nơi dừng chân và gắn bó, thầy giáo Lịch sử chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Phenikaa School, ấn tượng đầu tiên đối với tôi là sự tận tình, chu đáo của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Hiếm có ngôi trường nào ở Hà Nội sở hữu cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, nhiều giáo viên giàu kinh nghiệm và sức sáng tạo như thế.
Tôi thật sự cảm thấy Phenikaa School là nơi tôi tìm kiếm. Điều đó càng được chứng minh khi mỗi ngày đến trường, tôi luôn được truyền cảm hứng từ một trường học hạnh phúc. Ở nơi đây, tôi nhìn thấy sự nhất quán từ tư duy quản lý, triết lý giáo dục của Lãnh đạo Nhà trường đến từng cá nhân; sự đồng hành, cộng tác và tin tưởng lẫn nhau của các đồng nghiệp nhằm hiện thực hoá những ước mơ, khơi dậy cảm xúc và tạo động lực cho học sinh theo đuổi những thành công của riêng mình”.
Là một trong những chuyên gia được mời tham gia vào việc phân tích đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021, thầy giáo Phạm Giềng chia sẻ về lý do phổ điểm môn Lịch sử lệch phải. Nhận xét về đề thi, thầy cho hay: “Đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT năm 2022 dễ hơn so với những năm trước. Trong đó, số câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 80%, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 20%. Độ khó của những câu vận dụng tăng nhiều so với các năm trước, nhưng độ khó câu vận dụng cao lại giảm đi. Thầy giáo nhận thấy đề thi này đảm bảo tính phân hóa, phản ánh được khả năng tư duy của học sinh và đạt độ tin cậy trong việc xét tốt nghiệp THPT”.
Khi được hỏi về câu chuyện vì sao học sinh vẫn e ngại môn Lịch sử, thầy Phạm Giềng bày tỏ quan điểm, bản thân thầy nhận định nhiều học sinh yêu môn Lịch sử nhưng lại sợ học và thi. Để cải thiện vấn đề này, các trường THPT hiện nay coi trọng việc nâng cao kỹ năng và phương pháp học tập. Cụ thể, thay vì chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô đầu tư thêm các bài giảng, video thú vị về kiến thức lịch sử. Từ đó, học sinh cũng có thể tiếp cận kiến thức lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cách để vừa học vừa chơi, ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả.
Thầy giáo 8X tin tưởng với những điều đó, tương lai của môn Lịch sử sẽ có nhiều biến chuyển tích cực hơn nữa, trở thành môn học “bắt buộc” nhưng lại được học sinh nồng nhiệt và hào hứng đón nhận chứ không phải máy móc học thuộc.
Chắc chắn, với môi trường Nhân văn – Cộng tác – Sáng tạo bên những người đồng nghiệp truyền cảm hứng tại Phenikaa School, TS Phạm Giềng sẽ cùng lan tỏa tình yêu Lịch sử, giúp học sinh viết nên những trang sử của chính cuộc sống mình từ những hành trình khám phá tri thức tại trường học hạnh phúc này!