Hiện tại học sinh đã hoàn thành chương trình môn Hóa học và tập trung tổng ôn kiến thức, kết hợp với luyện đề chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cô Trần Thị Vân Trang – Giáo viên trường THPT Phenikaa (Phenikaa School) trong giờ Hóa học.
Nội dung kiến thức cần tập trung
Cô Trần Thị Vân Trang, giáo viên Trường THPT Phenikaa, cho biết: Theo như đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học năm 2023, số câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 72,5%; 27,5% còn lại là câu hỏi tính toán.
Do đó, để đạt kết quả cao, trước hết học sinh phải ôn thật kỹ lý thuyết. Hầu hết các câu lý thuyết đều ở mức độ nhận biết, thông hiểu, ít câu ở mức độ vận dụng, nên rất đáng tiếc nếu thí sinh để mất điểm ở các câu trắc nghiệm lý thuyết.
Cũng theo đề thi tham khảo, các câu hỏi tập trung vào phạm vi kiến thức chương trình Hóa học 12, số ít câu nằm ở chương trình hóa học 11. Các nội dung tinh giản không xuất hiện trong đề thi nên học sinh có thể bỏ qua việc ôn luyện các nội dung này, tránh mất thời gian ôn tập.
Trong đề thi có xuất hiện câu hỏi đánh giá khả năng đọc – hiểu của học sinh, nội dung kiến thức có liên quan và tương tự với chương trình GDPT mới. Với những câu hỏi này, không đòi hỏi quá cao về kiến thức mới, học sinh chỉ cần đọc kỹ phần dẫn, sử dụng những thông tin trong phần dẫn này và vận dụng tư duy logic là có thể lựa chọn được đáp án đúng.
Cô Trần Thị Vân Trang chia sẻ một số phần kiến thức trọng tâm học sinh cần ôn tập kỹ như sau:
Thứ nhất: Hóa học vô cơ gồm Đại cương về Kim loại (3-5 câu), Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất (5 – 8 câu), Sắt, một số kim loại quan trọng và hợp chất(2-3 câu). Để làm tốt bài tập thuộc các nội dung kiến thức này, học sinh cần ôn kỹ tính chất, ứng dụng trong sách giáo khoa và sử dụng các công thức làm nhanh (bảo toàn electron, quy đổi…) để tránh mất thời gian.
Các câu hỏi liên quan đến hình vẽ, thí nghiệm và bài toán đồ thị cũng liên tục xuất hiện trongg đề thi những năm gần đây, chủ yếu liên quan tới hóa học vô cơ. Ở dạng bài tập này, học sinh phải hiểu rõ được bản chất mới lựa chọn được đáp án đúng.
Phân biệt và nhận biết cũng là dạng bài khá phổ biến, chỉ cần học sinh nắm chắc các hiện tượng phản ứng và luyện tập nhiều các câu trắc nghiệm về dạng này trong đề thi thử, đề thi của các năm trước là có thể làm được vì đây cũng không phải dạng bài quá khó.
Thầy Đặng Xuân Chất, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).
Những lưu ý khi ôn tập
Với đặc thù là môn thi theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức môn Hóa được trải dài trong tất cả các phần kiến thức (chủ yếu là chương trình lớp 12 và lớp 11). Do đó học sinh không nên chủ quan và bỏ qua bất cứ phần nào. Điều đó cũng phần nào đươc thể hiện khá rõ thông qua đề thi tham khảo khi phần kiến thức trước đây bị coi là không quan trọng đã xuất hiện trong đề.
Từ lưu ý này, thầy Đặng Xuân Chất, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) khuyên học sinh khi tổng ôn lý thuyết cần ôn tập lại một lượt các kiến thức theo mạch chương trình (theo chương), ghi lại các kiến thức hay quên, hay mắc phải các sai lầm và làm các câu hỏi trắc nghiệm có nội dung tương ứng.
Sau đó, học sinh cũng cần ôn tập kiến thức theo chủ đề lý thuyết đếm tích hợp nhiều phần kiến thức liên quan (ví dụ: chủ đề chất lưỡng tính, chủ đề số thí nghiệm xuất hiện kết tủa, chất rắn…)
Về luyện đề: Đây là phần ôn luyện để đánh giá tổng thể kiến thức thông qua các bài thi thử cũng như rèn luyện kỹ năng làm đề.
Để việc làm đề thực sự có hiệu quả, học sinh cần chú ý chọn nguồn đề có uy tín; làm đúng trong khoảng thời gian cho trước và tuyệt đối không sử dụng bất kỳ sự trợ giúp nào và không điền liều các câu không làm được để biết chính xác khả năng bản thân đang ở đâu.
Khi kiểm tra đáp án cần liệt kê tất cả các câu hỏi bản thân làm sai hoặc không làm được và ghi và sổ nhật ký luyện đề; từ đó có cơ sở dữ liệu để quay lại việc ôn tập các phần kiến thức còn thiếu sót đó.
Nếu quá trình làm đề thường xuyên đạt điểm dưới 4 điểm thì nên dừng luyện đề và chỉ tập trung vào ôn tập kiến thức.
“Ôn tập kiến thức và làm đề là rất quan trọng, tuy nhiên học sinh cần nhớ, điều quan trọng hơn rất nhiều đó là không được phép hài lòng với bản thân và coi nhẹ bất cứ một môn học nào vì cho rằng đó là môn không dùng để xét đại học”, thầy Đặng Xuân Chất đưa lời khuyên.
Theo báo Giáo dục & Thời đại