Thói quen đọc sách đang trở thành nét văn hoa chung của tập đoàn Phenikaa. Chính vì thế, các Phenikers của Phenikaa School đã rất hào hứng hưởng ứng hoạt động tôn vinh văn hoá đọc. Cùng tìm hiều thêm thông tin về hoạt động này của học sinh trung học Phenikaa qua “Trạm đọc tháng 9 kết nối Pheniker”.
Sau chuỗi ngày mưa rào, thầy và trò Phenikaa School đón bình minh trong hơi lạnh cuối thu và nghĩ về một mùa đông hanh hao đang đến thật gần. Còn 10 phút nữa mới bắt đầu tiết học Văn nhưng học sinh lớp 7A1 đã có mặt đông đủ.
Hôm nay (27/9), giờ học Văn khác hơn ngày thường. Thay vì những bài giảng do thầy dẫn dắt khám phá, lần lượt các bạn học sinh giới thiệu cuốn sách mà mình say mê trong thời gian hơn 90 phút. Lần đầu được chia sẻ về cái mình yêu thích trước đám đông, dù còn bỡ ngỡ nhưng các bạn học sinh đều háo hức mỗi khi được trao quyền làm chủ micro, tự do dẫn dắt người nghe vào thể giới cảm xúc của mình.
Cảm giác ấy thật khó diễn giải thành lời với cậu học trò Vương Đình Phong. Sau khi chia sẻ nội dung truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam, Đình Phong – học sinh 7A1 – đồng tình với lời ghi nhận, ý kiến đóng góp cải thiện phần nói từ các thành viên trong hội đồng phản biện. Với Phong, trong 7 năm qua, đây là lần đầu tiên cậu thuyết trình độc lập trước thầy cô và các bạn. Cách trả lời ngập ngừng của Phong lộ rõ vẻ bối rối trong cậu.
Cảm giác của Đình Phong chỉ là một trong nhiều khoảnh khắc được quay chậm trên chặng đường đầu tiên Phenikaa School triển Dự án văn hoá đọc đến toàn thể học sinh trường Trung học. Nhà văn đương đại Jhumpa Lahiri từng nói: “Sách tựa như những chuyến tàu tốc hành kỳ diệu đưa bạn đến thế giới mà trước đây bạn chưa từng đặt chân đến, giúp bạn biết về nó, hiểu về nó mà không cần mất quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Đọc sách chính là cách nhanh nhất để bạn khám phá thế giới mà không cần nhấc chân”.
Thấu hiểu những giá trị mà sách mang lại cho cuộc sống con người, từ những tuần học đầu tiên, học sinh Trường trung học đã được thầy cô truyền cảm hứng, khơi gợi niềm đam mê đọc sách qua Dự án “Cuốn sách tôi yêu”. Dự án này nằm trong chuỗi hoạt động nâng tầm tri thức, phát triển nhóm năng lực và những phẩm chất cốt lõi cho Phenikers xuyên suốt năm học 2021-2022.
Dự án không giới hạn thể loại sách mà khuyến khích học sinh mở rộng phạm vi tìm kiếm, chọn lựa ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những tác phẩm văn chương gần gũi trong nhà trường, học sinh tự do lựa chọn những cuốn sách phù hợp lứa tuổi, sách kĩ năng sống, sách khoa học kĩ thuật… Từ quy mô lớp học, từ hoạt động có tính phong trào, Phenikers sẽ dần nhận ra ý nghĩa sâu sắc của việc đọc sách, tạo nên một cộng đồng giao lưu, kết nối những người mê sách, yêu văn hoá đọc trong và ngoài trường.
Sau một tháng triển khai theo tinh thần mỗi lớp là mỗi trạm đọc, mỗi học sinh là đại sứ kết nối, lan toả những giá trị nhân văn đến mọi người, dự án đã nhận được hơn 30 sản phẩm giới thiệu, chia sẻ cuốn sách yêu thích dưới nhiều hình thức khác nhau như powerpoint, poster, bài viết cảm nhận, sơ đồ tư duy… Tuần cuối cùng của tháng là thời gian để các con học sinh tổng kết, nhìn lại hành trình đọc sách trong tháng của mình. Trong vai trò người hướng dẫn, thầy cô không chỉ hỗ trợ các con phát triển năng lực nghe-nói-đọc-viết mà còn trở thành người bạn cùng đọc, cùng suy nghĩ và lắng nghe, trao đổi những băn khoăn, căn vặn của các con về cuộc sống hay chính bản thân mình qua từng trang sách.
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, bạn Trần Hạnh Nhiên (7A1) bộc bạch: “Con thấy dự án này khá hay và nó tạo cho các bạn cũng như con một niềm yêu thích đọc sách, làm giàu thêm vốn từ vựng. Đồng thời, dự án giúp con thêm tự tin, biết cách trình bày và cũng như có cơ hội để chia sẻ những cuốn sách hay đến với các bạn”.
Ở trạm đọc tháng 10, chúng ta cùng đón đợi những câu chuyện hay, chia sẻ lý thú xoay quanh cuốn sách yêu thích của các Phenikers. Dự án cũng mong muốn nhận được sự đồng hành, hưởng ứng từ các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ nhân viên trong trường học. Không bao giờ là quá muộn để chúng ta bắt đầu một thói quen tích cực. Bắt đầu ngay hôm nay, tại sao không?