Khoa học công nghệ thay đổi và tác động mạnh mẽ tới hầu hết các khía cạnh của đời sống con người. Giáo dục cũng không đứng ngoài sự ảnh hưởng đó, điều đó một phần được thể hiện qua sự thay đổi về cách tiếp cận và phương pháp học tập.
Với sự ra đời của hàng nghìn phần mềm hỗ trợ học trực tuyến, phần mềm dịch thuật và chuyển ngữ, việc giỏi ngoại ngữ đã không còn mang lại một lợi thế tạo sự khác biệt cho các em học sinh, sinh viên. Ngày nay, thay vì học ngôn ngữ thật giỏi, các bậc phụ huynh bắt đầu cho con chuyển hướng sang học các môn khoa học, lập trình, năng khiếu. Đó là xu thế tất yếu của thời đại này, khi rào cản ngôn ngữ ngày càng bị thu hẹp.
Nắm bắt xu thế, ngay từ những ngày đầu thành lập Trường Liên cấp Phenikaa, đội ngũ Lãnh đạo trường đã đặt ra mục tiêu“Tạo lập một môi trường đắc thụ ngôn ngữ tự nhiên” để các em học sinh thành thạo ngôn ngữ và sử dụng nó như một công cụ phục vụ việc học, nghiên cứu.
Vấn đề đặt ra là: “Làm thế nào để tạo được môi trường đắc thụ ngôn ngữ tự nhiên?”
Để giải quyết vấn đề này, trường Phenikaa đã xây dựng hệ thống Phân phối tiết học dựa trên nghiên cứu khoa học về số giờ học ngoại ngữ cần thiết, xây dựng Thư viện và Trung tâm học tập cũng như áp dụng Khoa học về các mô hình tiếp cận ngôn ngữ để học sinh đạt được hiệu quả học tập tốt nhất.
Phân phối tiết học dựa trên nghiên cứu khoa học về số giờ học ngoại ngữ cần thiết. Theo các nghiên cứu của GSE hay giả thuyết 10.000 giờ học, thời lượng học là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định đến thành công hay hiệu quả học tập. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chỉ số đó có sự sai số vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lứa tuổi tiếp cận ngôn ngữ, động lực học, môi trường sống. Chính vì thế, phân phối số tiết học tại Phenikaa đáp ứng được số lượng giờ tương đối. Nhà trường cũng chú trọng giảm tải áp lực thi cử, tạo hứng thú học tập cho học sinh bằng những môn học thuật bằng tiếng Anh như Toán, ICT (Information and Communications Technology), Khoa học, các hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm giáo dục song ngữ. Với cách này, học sinh có thêm thời lượng trải nghiệm thực tế và sử dụng tiếng Anh như công cụ giao tiếp ở các lĩnh vực khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ tiếp thu kiến thức ngoại ngữ.
Thư viện và Trung tâm học tập là một trong những yếu tố quan trọng để học sinh có môi trường đắc thụ ngôn ngữ.
Thư viện được xây dựng với quy mô lớn, tạo môi trường đọc đạt chuẩn thư viện trường học Mỹ, với nguồn sách và tài liệu phong phú để khơi gợi niềm yêu thích đọc. Xây dựng văn hóa đọc chính là một trong những điểm nhấn tại Trường Liên cấp Phenikaa. Bên cạnh thời lượng học chính khóa, học sinh có không gian và thời gian để tự tìm tòi và mở mang kiến thức. Sự bồi đắp về “lượng” thông qua việc đọc sẽ dẫn đến sự thay đổi về “chất”, giúp học sinh có thể tổng hợp và áp dụng những kiến thức sách vở vào những dự án, sản phẩm thực tế.
Lựa chọn cách tiếp cận phù hợp là yếu tố quyết định hiệu quả của việc đắc thụ ngôn ngữ tự nhiên.
Các nghiên cứu khoa học trên thế giới về việc đắc thụ ngôn ngữ và học ngoại ngữ có thể tựu chung lại với 3 cách tiếp cận chính: Cách tiếp cận Ngữ pháp (Grammar-based Approach), cách tiếp cận Giao tiếp (Communicative Approach) và cách tiếp cận Tư duy (Cognitive Approach) (Herrera & Murry, 2016).
Cách tiếp cận ngữ pháp đã được áp dụng tại Việt Nam, nhưng chưa thực sự hiệu quả trong việc giúp học sinh thành thạo ngôn ngữ như một công cụ để học tập các môn hàn lâm hay STEM (*). Lý do là vì cách tiếp cận này đặt trọng tâm chính vào người giáo viên, nhấn mạnh giảng dạy ngữ pháp và các quy luật của ngôn ngữ, kỹ năng đọc và viết. Việc này đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ từ vựng và luyện tập liên tục để tạo thói quen sử dụng ngôn ngữ, nhưng không chú trọng vào các kỹ năng nghe và nói.
Trong khi đó, cách tiếp cận giao tiếp đắc thụ ngôn ngữ thông qua giao tiếp có ý nghĩa, người giáo viên đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn, học sinh là trung tâm của lớp học. Việc áp dụng cách tiếp cận này rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở những lớp học đa chủng tộc tại Mỹ, vì nó giúp học sinh có kỹ năng nghe nói và giao tiếp trôi chảy. Để có thể áp dụng cách tiếp cận Giao tiếp, người giáo viên trước hết cần có khả năng giao tiếp trôi chảy, có thể tương tác tự nhiên để tạo môi trường cho học sinh.
Cách tiếp cận Tư duy hay mô hình CALLA (Cognitive Academic Language Learning Approach) phù hợp hơn khi triển khai tại Việt Nam. Thứ nhất, nó phù hợp với đối tượng học sinh Việt Nam – những người học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Chính CALLA được nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ cho các học sinh nhập cư tại Mỹ – khi phải học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 để hòa nhập với môi trường học tập hàn lâm. Thứ 2, cách tiếp cận này bao gồm 3 trụ cột chính là nội dung, phát triển ngôn ngữ học thuật và chiến lược học tập. Việc triển khai CALLA đòi hỏi giáo viên và học sinh không đơn thuần dạy và học ngôn ngữ, đồng thời gắn ngôn ngữ với nội dung bài học của từng môn. Đó là lý do Trường Liên cấp Phenikaa xây dựng hệ thống các môn học bằng tiếng Anh như Toán, Khoa học, ICT (Information and Communications Technology) để học sinh có cơ hội học các nội dung hàn lâm bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, việc phát triển ngôn ngữ học thuật còn giúp các em phát triển các kỹ năng suy nghĩ theo cấp độ cao dần.
3 cách tiếp cận trên đều có những đặc điểm và ưu việt riêng. Đặt trong bối cảnh nền giáo dục của Việt Nam, nếu chỉ áp dụng 1 trong 3 cách tiếp cận trên, sẽ khó tối ưu hóa được khả năng, kết quả học tập của học sinh. Điều cần thiết là kết hợp linh hoạt những điểm phù hợp của mỗi cách tiếp cận. Với định hướng đó, Trường Liên cấp Phenikaa đã và đang nỗ lực tạo lập một môi trường đắc thụ toàn diện để học sinh có thể sử dụng ngôn ngữ giao tiếp có ý nghĩa và đồng thời phục vụ cho mục đích học thuật.
STEM (*): là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).