Chiều ngày 22/02/2022, đội ngũ GV các tổ chuyên môn tại trường Tiểu học và Trung học Phenikaa đã có buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 2 chủ đề “Tư duy phát triển trong giáo dục thế kỉ 21” với nhiều nội dung bổ ích và thiết thực.
Như thường lệ, diễn đàn trao đổi chuyên môn giúp các thầy cô trao đổi và chia sẻ những trải nghiệm bản thân, cùng tư duy, phản biện và đưa ra cách giải quyết. Từ đó có thêm năng lượng để truyền cảm hứng và nhiều ý tưởng sáng tạo khi thiết kế bài dạy của mình.
Mở đầu chương trình, các thầy cô đã cùng nhau chơi mini-game warm-up với chủ đề “Lễ hội Việt Nam” (câu hỏi dạng tiếng Việt và tiếng Anh).
Phần tiếp theo của chương trình, cô Nguyễn Thị Bích Hòa – Tổ trưởng chuyên môn Tổ KATM đã đưa ra vấn đề về “Growth mindset và Fixed mindset”. Theo đó, những người có tư duy Fixed mindset luôn có lối tư duy kiểu giới hạn, cố thủ với những bậc thang cũ. Họ cũng là những người ngại thay đổi, ngại bứt phá, ngại đổi mới và luôn e ngại trước những sáng tạo và đổi mới.
Ngược lại, những người có tư duy Growth mindset thường xuyên xem khó khăn và thử thách là cơ hội để phát triển bản thân, thoải mái đón nhận những thứ mới và không ngừng nỗ lực để theo đuổi sự sáng tạo.
Hiểu rõ về hai hình thức tư duy, các thầy cô đã cùng chia sẻ những mẩu chuyện gần gũi, thiết thực mà bản thân đã trải qua. Đó là những bài học sâu sắc giúp thầy cô hiểu về tầm quan trọng của việc định hướng tư duy trong cuộc sống, không chỉ riêng ở việc giảng dạy mà ở mọi lĩnh vực. Cô Bích Hòa nhấn mạnh chúng ta đang ở Growth mindset nhưng rất dễ rơi vào “cái bẫy” Fixed Mindset nếu như mang trong mình tư tưởng chủ quan, cảm giác tự mãn.
Để tránh được điều này, có hai yếu tố quan trọng mà mỗi chúng ta cần lưu ý đó là sự Dũng cảm (đầu tư thời gian, công sức và bản lĩnh đương đầu với thử thách) và Trí tuệ (có kiến thức, đối đầu chứ không phải ‘làm liều’).
Tại Phenika School, năng lực sáng tạo luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ sáng tạo chính là yêu cầu đối với công dân thế kỉ 21, giúp mỗi cá nhân vượt qua thử thách để hoàn thiện và khẳng định bản thân.
Chính vì thế, việc bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức cũng như sự chủ động trong việc học hỏi luôn được đội ngũ giáo viên đề cao. Dù bận rộn với công tác chuyên môn, nhiều thầy cô đã sắp xếp thời gian để tham gia các khóa học bổ ích.
Cô Nguyễn Thị Oanh, cô Nguyễn Thị Vân Trang, cô Trần Thị Quỳnh Hương trong học kỳ I vừa qua đã tham gia học và xuất sắc nhận chứng chỉ khóa học Professional Development của Phần Lan về dạy học liên môn và tích hợp dự án.
Chia sẻ về việc áp dụng tư duy Growth mindset vào quá trình thực hiện các dự án liên môn, cô Nguyễn Duyên cho hay: “Ban đầu đối với dự án Đại sứ Văn hóa Tết Việt, do thực hiện online nên cô cũng có khá nhiều lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhờ sự chuẩn bị cùng với sự hỗ trợ, hợp tác từ các Phenikers nên dự án diễn ra thành công tốt đẹp. Kết thúc dự án, cô đã có nhiều bài học quý và trải nghiệm quý giá cho bản thân”.
Như vậy, rõ ràng tất cả những thành tựu mới và các mục tiêu quan trọng sẽ là động lực để đội ngũ thầy cô học tập, đổi mới, không ngừng phát triển bản thân. Đó không chỉ đơn thuần là bước tiếp những bậc thang mới mà còn truyền cảm hứng đến học sinh và những người xung quanh.
Từ chủ đề tư duy, thầy Ngô Huy Tâm và cô Lý Mỹ Hạnh đã dịch hoàn thiện nội dung cuốn sách “Cơ hội để thành công” (Most likely to succeed) – nhà cải tổ giáo dục Tony Wagner và nhà khởi nghiệp sáng tạo Ted Dintersmith.
Cuốn sách của nhà cải tổ giáo dục Tony Wagner và nhà khởi nghiệp sáng tạo Ted Dintersmith lý giải vì sao sáng tạo cần trở thành trọng tâm của quá trình học tập và rằng thành công, hạnh phúc của thế hệ trẻ sẽ ngày càng phụ thuộc vào khả năng đổi mới của mỗi cá nhân cũng như của cả hệ thống giáo dục.
Trong cuốn sách của Tony Wagner – một chuyên gia cải tổ giáo dục, và Ted Dintersmith – một nhà khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ thấy những so sánh (về hệ thống giáo dục, áp lực, nhu cầu ngành nghề…) giữa các thế hệ và giữa các lĩnh vực. Tựu trung, đó là ý niệm về những cách nhìn nhận khác, các tiếp cận khác để định nghĩa thành công. Không hề mới mẻ, không hề bóng bẩy, đó là tầm quan trọng của năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy thấu đáo, giao tiếp và cộng tác.
Chia sẻ về việc áp dụng tư duy Growth mindset vào trường học, thầy Ngô Huy Tâm cũng đã giới thiệu đến chương trình mô hình trường học tại Mỹ – trường Clinton Hill cùng phương pháp giáo dục nổi bật của họ.
Thay mặt BGH Nhà trường, cô Nguyễn Thu Biên – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phenikaa đã gửi lời cảm ơn đến các diễn giả của Nhà trường, đặc biệt là thầy Ngô Huy Tâm với nhiều chia sẻ quý giá, giúp thầy cô học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nhà giáo dục ở Mỹ. Cô Đoàn Thu Hà – Hiệu phó trường Trung học Phenikaa cũng bày tỏ sự cảm ơn và xúc động bởi những chia sẻ quý báu từ các thành viên của hai trường trong ngày 22/2/2022 thật đặc biệt và tin vào sự truyền cảm hứng của thầy cô ở những chặng đường phía trước cùng Phenikaa School.
Cùng đón chờ buổi sinh hoạt chuyên môn ở tháng 3 với chủ đề từ Tổ chủ nhiệm trong thời gian sắp tới.
Một số hình ảnh khác tại buổi sinh hoạt dưới đây: