Cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School chia sẻ một số lưu ý giúp học sinh Hà Nội làm tốt bài Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
6 lưu ý chung về kiến thức, kỹ năng
Về kiến thức, kỹ năng, cô Đình Thị Thủy đưa ra 6 lưu ý chung như sau:
Thứ nhất: Hiểu rõ cấu trúc bài thi (theo công văn và đề thi minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Thứ hai: Nắm rõ kỹ năng làm bài, kỹ năng trả lời từng loại/kiểu câu hỏi. Khi nắm chắc kỹ năng, phần trả lời câu hỏi của các em sẽ bảo đảm trúng trọng tâm, đúng, đủ ý.
Thứ ba: Tổng hợp lại các phạm trù, các vấn đề có thể ra trong phần viết đoạn nghị luận xã hội, rà soát hệ thống ý, dẫn chứng có thể xuất hiện cho từng loại phạm trù/vấn đề.
Thứ tư: Rà soát kiến thức cơ bản, trọng tâm của các tác phẩm văn học trong chương trình. Giai đoạn này không đặt nặng việc tìm tòi những cách diễn đạt mới lạ, công phu, những ý mở rộng nâng cao (điều này cần tích lũy trong năm học).
Các em có thể mở sách, vở ghi, lật từng bài, điểm lại trong đầu hoặc gạch ra giấy giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật, phong cách nhà văn được thể hiện trong tác phẩm. Phân loại, hệ thống hóa các tác phẩm có điểm chung về: đề tài, nhân vật, tình huống, chi tiết, nghệ thuật khắc họa… Đề thi các năm gần đây thường xuất hiện dạng câu hỏi ngắn: nêu tên truyện, nhân vật… có sự tương đồng.
Thứ năm: Hệ thống hóa kiến thức tiếng Việt (từ, câu, biện pháp tu từ, phép liên kết).
Thứ sáu: Khi nhận đề thi cần đọc kỹ yêu cầu của đề, gạch chân từ khóa, xác lập ý ngắn gọn ra tờ nháp sau đó hoàn thành vào bài thi.
Yêu cầu cụ thể về từng phần của bài thi
Với phần đọc hiểu, cô Đình Thị Thủy lưu ý thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, đọc kỹ câu hỏi, xác định đúng yêu cầu của câu hỏi. Câu trả lời cần đầy đủ.
Ví dụ: Câu hỏi là “Chỉ rõ phép liên kết được sử dụng trong câu văn in đậm”. Câu trả lời cần ghi đầy đủ: Phép liên kết được sử dụng trong những câu văn in đậm là…
Với dạng câu hỏi: Hiểu như thế nào và giải thích, thí sinh nêu ngắn gọn nhận thức của bản thân (thông điệp mà tác giả gửi gắm).
Dạng câu hỏi đồng tình hay không thường ít khi tuyệt đối đúng. Do đó, với vấn đề tích cực, thí sinh có thể triển khai theo hướng: Tôi đồng tình với ý kiến (nhận định) trên vì… (giải thích cụ thể vì sao đồng tình); song chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện (bổ sung cái nhìn toàn diện).
Với vấn đề tiêu cực, thí sinh có thể triển khai theo hướng: Ý kiến trên đã phản ánh 1 thực tế (của đối tượng nào đó mà đề phản ánh, giải thích, phân tích làm sáng rõ), song cách nhìn nhận còn phiến diện (nêu, trình bày ý kiến bổ sung để thể hiện cái nhìn toàn diện).
Việc đồng tình hay không cũng cần căn cứ vào nội dung cụ thể của văn bản và cần nhìn nhận theo nhiều khía cạnh: cá nhân, cộng đồng, khách quan, chủ quan, xưa – nay…
Dạng câu hỏi về biện pháp tu từ, thí sinh trả lời được 3 tác dụng (nhấn mạnh nội dung, tạo tính thẩm mỹ, bộc lộ thái độ của tác giả với đối tượng nói đến, với người đọc).
Với phần viết đoạn nghị luận xã hội, thí sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề, xác định trọng tâm vấn đề, gạch hệ thống ý cần triển khai ra giấy nháp trước khi viết.
Trong đó, mở đoạn phải nêu được vấn đề nghị luận. Thân đoạn phải đủ: Giải thích – phân tích – bàn luận (thể hiện cái nhìn toàn diện về vấn đề). Kết đoạn: bài học (phải có đủ nhận thức và hành động).
Thí sinh đọc kỹ yêu cầu của đề để phân tích, bàn luận tập trung vào vấn đề trọng tâm. Luôn có dẫn chứng cho phần phân tích và bàn luận. Dẫn chứng nên đảm bảo tính chất cá nhân – cộng đồng; xưa – nay; lĩnh vực khoa học; kinh tế – nghệ thuật…để tạo tính sinh động, thuyết phục.
Nên kết hợp tư duy logic với tư duy hình ảnh (dùng hình ảnh, phép ẩn dụ, liên tưởng để tăng tính khái quát, sâu sắc cho nhận định). Nếu có thể, nên trích dẫn 1, 2 câu danh ngôn để lập luận tăng tính thuyết phục, biểu cảm.
Phần nghị luận văn học, thí sinh cần bảo đảm cấu trúc đoạn văn, đúng yêu cầu kiểu đoạn văn (diễn dịch hay quy nạp hay tổng – phân – hợp).
Trong đó, mở đoạn phải nêu được vấn đề cần nghị luận. Thân đoạn, nghị luận (phân tích, bình luận, đánh giá) về vấn đề cần nghị luận mà đề yêu cầu (chú ý tập trung đúng đối đoạn ngữ liệu/nhân vật/đối tượng mà đề yêu cầu). Chú ý: Phân tích từ các phương diện nghệ thuật để ra nội dung, giá trị tư tưởng sẽ đảm bảo thuyết phục và đúng bản chất của việc phân tích, khám phá tác phẩm văn chương.
Kết đoạn, tùy từng yêu cầu của kiểu đoạn văn (diễn dịch/quy nạp/tổng – phân – hợp) mà có phần kết phù hợp.
Về trình bày thí sinh cần ghi rõ các phần, mục, câu; căn lề phẳng, đẹp, hạn chế tối đa việc gạch xóa; đánh dấu đầu đoạn văn nên lùi đầu dòng khoảng 1cm đến 2cm.
Khi vào phòng thi, tâm lý bình tĩnh rất quan trọng. Bên cạnh đó, các em cần tập trung nghe chỉ dẫn của giám thị, tập trung và tỉnh táo trong đọc yêu cầu của đề. Đến thời điểm này, các em cần giải phóng áp lực, nhất là khi vào phòng thi. Đừng đặt nặng về một số điểm cụ thể cần đạt. Hãy viết bằng nhiệt huyết, sự chân thành và vốn kiến thức mình đã ôn luyện.
Không dự đoán (bói đề). Điều này rất nguy hiểm vì Sở GD&ĐT không có chỉ dẫn nào về việc khoanh vùng tác phẩm, hầu hết kỳ thi các năm vẫn gây bất ngờ với các thí sinh học tủ. Ôn trọng tâm, toàn diện sẽ giúp các em có tâm thế chủ động, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.
– Cô Đình Thị Thủy –
Theo Báo Giáo dục và Thời đại