Cô Đình Thị Thuỷ, GV Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp rèn học sinh làm tốt bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Xem thêm:
Điểm giống và khác đề Ngữ văn trước và từ năm 2025
Theo cô Đình Thị Thủy, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Ngữ văn vẫn kế thừa đề thi giai đoạn trước. Cụ thể, bài thi yêu cầu học sinh thực hiện các kỹ năng đọc hiểu, làm văn (gồm làm văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học).
Tuy nhiên, với mục tiêu giáo dục trọng tâm là phát triển năng lực, phẩm chất, tránh tư duy lối mòn, đề thi từ năm 2025 có những đổi mới.
Điểm mới thứ nhất là tăng số điểm phần đọc hiểu (từ 3 điểm lên 4 điểm).
Thứ hai, linh hoạt trong yêu cầu viết đoạn/bài ở cả hai dạng nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
Cụ thể, đề thi giai đoạn trước năm 2025 cố định yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ với 2 điểm) và bài nghị luận văn học (với 5 điểm, phạm vi kiến thức là các tác phẩm nằm trong chương trình, sách giáo khoa).
Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 môn Ngữ văn sẽ linh hoạt kiểu bài làm văn.
Theo đó, nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản văn học, thì phần làm văn, học sinh sẽ viết đoạn văn nghị luận văn học và bài văn nghị luận xã hội. Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản thông tin hoặc văn bản nghị luận thì phần làm văn học sinh sẽ viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học. Sự linh hoạt này đòi hỏi học sinh phải học, thuần thục kỹ năng viết nghị luận văn học và nghị luận xã hội ở cả dạng đoạn văn và bài văn.
Rèn kỹ năng viết nghị luận xã hội
Về phía giáo viên, trong quá trình dạy học, cần chú trọng rèn các kĩ năng một cách bài bản, hệ thống, khoa học.
Nhấn mạnh điều này, với văn nghị luận xã hội, cô Đình Thị Thủy cho rằng, giáo viên dạy học sinh hiểu bản chất của nghị luận xã hội là bày tỏ quan điểm, đánh giá của mình về vấn đề xã hội. Do đó, các em cần có ý thức trau dồi kiến thức, thông tin xã hội; xác lập rõ ràng quan điểm, chính kiến, trau dồi vốn sống, bồi dưỡng năng lực sử dụng ngôn ngữ, tâm hồn nhạy cảm phong phú.
Cùng với đó, giáo viên chú trọng phân biệt bản chất, cấu trúc của đoạn văn và bài văn.
Đoạn văn: Triển khai trọn vẹn một ý (nội dung); mọi câu, từ, minh chứng đều phục vụ cho việc làm sáng rõ, thuyết phục ý (nội dung) trong yêu cầu của đề. Ngoài ra, học sinh có thể dùng tư duy phản biện, suy tưởng, bài học nhưng vẫn trong phạm vi giới hạn đề yêu cầu.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu viết đoạn văn về “vai trò của lòng đồng cảm” thì học sinh cần dùng lý lẽ, dẫn chứng phục vụ cho ý trọng tâm: lòng đồng cảm có vai trò gì với trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người, có ý nghĩa gì với cộng đồng, xã hội. Ý phản biện có thể là: Lòng đồng cảm cần tỉnh táo, đặt đúng chỗ để không tổn thương chính bản thân, người khác.
Bài văn: Giáo viên cần dạy cho học sinh hiểu và phân biệt rõ chức năng của từng phần của bài văn (mở bài, thân bài, kết bài); chú trọng dạy học sinh cách tư duy để tìm ý, sắp xếp ý
Học sinh cần hiểu, một bài văn đòi hỏi người viết phải sử dụng tư duy tổng hợp, nhìn nhận vấn đề hệ thống, triển khai bài văn theo trình tự nhận thức: Nêu vấn đề -> giải thích vấn đề -> Phân tích, chứng minh cho quan điểm của bản thân về vấn đề -> bàn luận rộng, sâu về vấn đề -> liên hệ, suy tưởng -> chốt lại vấn đề.
Các phần trên của bài văn cần được trình bày thành các đoạn văn ngắn, giữa các đoạn văn cần có câu, từ liên kết, chuyển ý để tạo tính mạch lạc.
Luôn khuyến khích tư duy sáng tạo, nhạy bén của học sinh trong cách thể hiện quan điểm, tiếp cận vấn đề miễn là phù hợp đạo đức, pháp luật.
Rèn kỹ năng viết nghị luận văn học
Giáo viên cần dạy học sinh hiểu đặc trưng của từng thể loại văn học (thơ, truyện, kịch, kí…); cần khơi dậy trong học sinh tình yêu với văn học; nhu cầu tìm, đọc, cảm nhận các tác phẩm văn học ngoài chương trình (có thể có sự chỉ dẫn của giáo viên); trau dồi ngôn ngữ, trái tim nhạy cảm…
Ở cả dạng bài/đoạn văn nghị luận văn học, giáo viên cần: Hệ thống hóa, phân loại rõ các yêu cầu thường/có thể gặp cho dạng đề viết đoạn văn. Xây dựng “công thức” cơ bản để giải quyết từng dạng đề cụ thể.
Đồng thời, tiến hành cho học sinh luyện tập, vận dụng (giai đoạn đầu có thể có những chỉ dẫn, định hướng cụ thể, khi học sinh nhuần nhuyễn kỹ năng, giáo viên tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính sáng tạo). Chọn lọc ngữ liệu (chất lượng, phong phú) và sáng tạo trong cách ra đề (căn cứ vào yêu cầu cần đạt, các chỉ dẫn viết đoạn, bài trong chính sách giáo khoa, sách giáo viên).
Thầy cô cũng lưu ý chấm, chữa bài theo thang đo, chú trọng tính định lượng trong kiểm tra đánh giá để đảm bảo khách quan, thuyết phục, học sinh sáng rõ ưu, hạn chế trong bài làm của mình và có giải pháp cụ thể để tiến bộ.
Với đoạn văn nghị luận văn học: Đối tượng nghị luận ở dạng đoạn văn thường là một phương diện/yếu tố của văn bản/đoạn văn bản. Học sinh cần phân tích yêu cầu của đề để hiểu rõ phương diện/yếu tố, trọng tâm mà đề yêu cầu. Ví dụ: Đặc sắc trong hệ thống hình ảnh của văn bản/đoạn văn bản; thông điệp tư tưởng của nhà văn được thể hiện qua văn bản/đoạn văn bản…
Giáo viên dạy học sinh hiểu rõ các kiểu đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp … trong đó chú trọng kiểu đoạn tổng phân hợp, đây là kiểu đoạn văn thể hiện cấu trúc chỉnh thể nhất). Xác định trọng tâm yêu cầu của đề, cách viết câu chủ đề, cách phân tích các phương diện nội dung/nghệ thuật phục vụ cho yêu cầu của đề (không lan man).
Với bài văn nghị luận văn học: Bài văn nghị luận văn học thường sẽ yêu cầu vấn đề (đối tượng) nghị luận có vai trò chi phối đến toàn bộ tác phẩm hoặc là đối tượng kép. Ví dụ: Phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật; Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung và nghệ thuật của văn bản/đoạn văn bản; Phân tích đặc sắc của hình ảnh, cấu tứ trong bài thơ…
Vì vậy, viết bài văn nghị luận văn học đòi hỏi khả năng hệ thống hóa kiến thức thể loại, đặc trưng thể loại; cách chuyển ý, chuyển đoạn, nối ý, nối đoạn; cách liên hệ, so sánh để bài văn sinh động, thuyết phục, sâu sắc.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại