Giai đoạn 5 – 6 tuổi là thời điểm lý tưởng để trẻ hình thành những thói quen tích cực và học cách sinh hoạt độc lập. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi sẽ đặt nền tảng để con phát triển toàn diện cả về thể chất, cảm xúc và tư duy. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn phụ huynh cách rèn luyện kỹ năng sống cho con tại nhà một cách hiệu quả.
Tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi
Theo các nguồn, kỹ năng sống là khả năng cá nhân mà con người có được thông qua giáo dục hoặc trải nghiệm thực tiễn, giúp ứng xử tích cực, hiệu quả với mọi biến đổi của đời sống xã hội, thích ứng với cuộc sống, sống mạnh khỏe và an toàn.
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi đặc biệt quan trọng vì:
- 5 – 6 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng: Trẻ ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt là 5 – 6 tuổi, có xu hướng tiếp thu và học hỏi điều mới rất nhanh. Đây là thời điểm lý tưởng để cha mẹ và giáo viên rèn luyện các kỹ năng cần thiết.
- Chuẩn bị cho môi trường mới: Khi trẻ bắt đầu đi học, lớp 1 ngoài việc tiếp thu kiến thức văn hóa, trẻ còn làm quen với một môi trường hoàn toàn mới. Việc trang bị kỹ năng sống sẽ giúp trẻ vui chơi và hòa nhập với bạn bè dễ dàng hơn.
- Hình thành thói quen tích cực từ sớm: Đây là độ tuổi dễ tiếp thu, ghi nhớ và rèn luyện thói quen. Việc dạy kỹ năng sống giúp trẻ tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn trong cuộc sống hàng ngày.
- Phát triển toàn diện: Kỹ năng sống giúp trẻ phát triển song song về nhận thức, cảm xúc và hành vi – là tiền đề để trẻ thành công và hạnh phúc sau này.
Trẻ có thể bắt đầu làm quen với kỹ năng sống từ 2 – 3 tuổi thông qua các hoạt động nhỏ như tự xúc ăn, nhặt đồ chơi, chào hỏi lễ phép. Tuy nhiên, từ 5 – 6 tuổi là giai đoạn vàng để tập trung rèn luyện kỹ năng sống một cách có hệ thống, vì đây là thời điểm trẻ bắt đầu nhận thức rõ ràng về hành vi, cảm xúc và mối quan hệ xã hội – đồng thời cũng là giai đoạn tiền đề cho bước chuyển tiếp lên Tiểu học.

10 kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi
Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi là nền tảng quan trọng giúp trẻ bước vào lớp 1 với tâm thế tự tin, chủ động và sẵn sàng thích nghi với môi trường học tập mới. Dưới đây là 10 kỹ năng sống cần thiết cha mẹ có thể dạy con tại nhà.
Kỹ năng tự phục vụ
Mục tiêu:
- Trẻ có thể tự vệ sinh cá nhân
- Trẻ có thể tự ăn, uống nước
- Trẻ có thể tự mặc quần áo, đi giày/dép
- Trẻ có thể tự sắp xếp đồ đạc
Cách dạy:
- Tạo góc sinh hoạt riêng cho con: bàn chải, khăn mặt, dép, quần áo… ở nơi cố định, dễ lấy.
- Hướng dẫn trẻ thực hiện từng bước, sau đó để con tự làm.
- Khen ngợi khi con hoàn thành nhiệm vụ, kể cả những bước nhỏ như tự lấy cốc uống nước.
- Sử dụng tranh ảnh minh họa, video hướng dẫn để con dễ hình dung và bắt chước.

Kỹ năng quản lý cảm xúc
Mục tiêu:
- Trẻ có thể nhận biết cảm xúc
- Trẻ có thể bộc lộ cảm xúc đúng mực
- Trẻ có thể chia sẻ suy nghĩ cá nhân với mọi người
Cách dạy:
- Dùng gương hoặc thẻ cảm xúc (mặt cười, mặt buồn…) để trẻ gọi tên cảm xúc.
- Hướng dẫn trẻ thở sâu, đếm số, dùng lời nói thay vì hành động khi tức giận.
- Dạy con câu đơn giản như: “Con không thích như vậy”, “Con buồn vì…” để biểu đạt cảm xúc.
- Đọc truyện có nhân vật trải qua nhiều trạng thái cảm xúc để trẻ học cách đồng cảm.

Kỹ năng giao tiếp
Mục tiêu:
- Trẻ có thể ứng xử phù hợp với người xung quanh
- Trẻ có thể giao tiếp lịch sự và lễ phép
- Trẻ có thể tuân thủ các quy tắc xã hội (chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn, không chen lấn…)
Cách dạy:
- Làm mẫu các tình huống như chào hỏi khi gặp người lớn, xin lỗi khi làm sai.
- Cho con thực hành giao tiếp trong các vai trò khác nhau qua trò chơi đóng vai.
- Hướng dẫn cách lắng nghe như không ngắt lời, nhìn vào người đối thoại.
- Kể chuyện về bạn nhỏ biết lễ phép, tôn trọng người khác để con noi theo.

Kỹ năng làm việc nhóm
Mục tiêu:
- Trẻ biết hợp tác với gia đình và bạn bè
- Trẻ biết nhận và hoàn thành nhiệm vụ cùng những người xung quanh
- Trẻ biết tổ chức hoạt động
- Trẻ có thể chia sẻ, giúp đỡ mọi người
Cách dạy:
- Tổ chức hoạt động nhóm nhỏ tại nhà: nấu ăn cùng mẹ, tưới cây cùng bố.
- Chơi trò chơi ghép hình, xếp chữ với bạn để con học cách phối hợp.
- Khuyến khích con chia sẻ đồ chơi, không tranh giành khi chơi chung.
- Nhận xét tích cực khi con biết chờ đến lượt hoặc giúp đỡ bạn.

Kỹ năng tự vệ và phòng tránh nguy hiểm
Mục tiêu:
- Trẻ có thể tự bảo vệ trước những tình huống nguy hiểm
- Trẻ có thể xử trí khi bị người lạ tiếp cận
- Trẻ có thể nhận biết các sự vật, hiện tượng, tình huống nguy hiểm, về giới tính và phòng tránh xâm hại
Cách dạy:
- Dạy con vùng nhận biết vùng riêng tư trên cơ thể và chỉ người chăm sóc mới được giúp khi cần thiết.
- Thường xuyên nhắc nhở trẻ không mở cửa cho người lạ, không đi theo người lạ.
- Dạy câu khẩu lệnh ngắn gọn như “Không! Cháu không đi!” và bỏ chạy.
- Dùng video mô phỏng hoặc trò chơi tình huống để trẻ phản ứng đúng.

Kỹ năng tham gia giao thông
Mục tiêu:
- Trẻ có thể đi bộ đúng phần đường dành cho người đi bộ
- Trẻ có thể chờ đèn tín hiệu, đi qua đường đúng cách
- Trẻ biết đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy cùng người lớn
Cách làm:
- Thực hành hàng ngày khi đưa đón trẻ đi học: chỉ cho con phần đường đi bộ, vạch qua đường.
- Cùng con làm đồ chơi về biển báo giao thông, đèn tín hiệu.
- Dạy con câu nói quen thuộc: “Đèn xanh được đi – đèn đỏ đứng lại”.

Kỹ năng học hỏi kiến thức mới
Mục tiêu:
- Trẻ hào hứng khám phá, tìm hiểu xung quanh
- Trẻ chủ động đặt câu hỏi khi thắc mắc
- Trẻ có khả năng ghi nhớ và kể lại điều đã học
Cách làm:
- Gợi mở: “Con nghĩ sao nếu…?”, “Theo con thì vì sao có mưa?” để kích thích tư duy.
- Sau khi học điều gì mới, cùng con vẽ hoặc kể lại để củng cố ghi nhớ.
- Dành thời gian cùng con làm thí nghiệm khoa học nhỏ
Kỹ năng tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề
Mục tiêu:
- Trẻ có thể nghĩ ra nhiều cách xử lý cho cùng một vấn đề
- Trẻ biết đưa ra phán đoán, dự đoán kết quả
- Trẻ sáng tạo trong cách chơi, học, sắp xếp đồ vật
Cách làm:
- Cho con chơi các trò chơi mở: xếp hình, lắp ghép, vẽ tự do.
- Khi con gặp khó khăn, thay vì đưa ra cách giải ngay, hãy hỏi: “Con còn cách nào khác không?”
- Đọc truyện rồi hỏi con nghĩ nhân vật nên làm gì tiếp theo.

Kỹ năng tự sử dụng các công cụ và thiết bị cơ bản
Mục tiêu:
- Trẻ biết sử dụng kéo, thìa, dĩa, bàn chải đúng cách
- Trẻ biết bật tắt đèn, quạt, mở tủ, cất đồ đúng vị trí
- Trẻ biết sử dụng TV, điều khiển, máy lọc nước dưới sự hướng dẫn
Cách làm:
- Cho trẻ dùng kéo giấy, thìa xúc cơm dưới sự quan sát.
- Giới thiệu và giải thích công dụng từng thiết bị trong nhà.
- Dán nhãn màu sắc tại công tắc, tủ, kệ để trẻ dễ nhớ và tự giác làm.
Kỹ năng tự nhận thức
Mục tiêu:
- Trẻ biết tên, tuổi, giới tính của bản thân
- Trẻ biết mình thích gì, không thích gì
- Trẻ biết mình đã làm tốt điều gì và cần cố gắng ở đâu
Cách làm:
- Cho con giới thiệu về bản thân mỗi ngày: “Con tên gì? Con mấy tuổi?”
- Gợi mở con nói điều khiến con vui/buồn và lý do.
- Cùng con tổng kết cuối tuần: điều con làm giỏi, điều cần cố gắng, từ đó xây dựng thói quen phản tư tích cực.

Lưu ý:
|
Gợi ý 5 phương pháp dạy kỹ năng sống cho bé tại nhà
1- Dạy kỹ năng sống qua tình huống hàng ngày
Khi có một vấn đề nảy sinh (ví dụ: đồ chơi bị hỏng, tranh giành đồ vật), hãy hướng dẫn trẻ cách suy nghĩ và tìm ra giải pháp thay vì giải quyết giúp trẻ ngay lập tức. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự đưa ra ý kiến và thảo luận để tìm ra cách giải quyết tốt nhất.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dựng lên các tình huống quen thuộc trong cuộc sống (ví dụ: gặp người lạ, bị lạc, bạn bè giận nhau) và khuyến khích trẻ đóng vai, xử lý tình huống. Điều này giúp trẻ luyện tập cách ứng xử một cách chủ động.
Ví dụ: Bạn có thể giả vờ là người lạ đến hỏi chuyện và xem trẻ phản ứng thế nào, sau đó hướng dẫn trẻ cách từ chối lịch sự và tìm kiếm sự giúp đỡ.

2- Dạy kỹ năng sống qua hình ảnh – video
- Sử dụng tranh ảnh, sách: Cho trẻ xem tranh ảnh về các tình huống giao tiếp, ứng xử, tự phục vụ hoặc các câu chuyện có nội dung giáo dục kỹ năng sống. Thảo luận với trẻ về nội dung tranh, nhân vật và hành động của họ.
- Xem video giáo dục: Cùng trẻ xem các video ngắn, phim hoạt hình có nội dung dạy về các kỹ năng như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, kỹ năng tự chăm sóc hoặc cách xử lý các tình huống nguy hiểm. Sau khi xem, trò chuyện với trẻ về nội dung và rút ra bài học.
- Quan sát thế giới xung quanh qua hình ảnh, video: Sử dụng hình ảnh và video về thiên nhiên, môi trường để giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường và tình yêu thiên nhiên.

3- Dạy kỹ năng sống qua hoạt động cộng đồng
- Phát triển tình yêu thương, đồng cảm: Cho trẻ tham gia các buổi thiện nguyện đơn giản như tặng sách, thu gom đồ cũ, làm đồ chơi tặng bạn nhỏ vùng cao.
- Khuyến khích giao tiếp: Đưa con tới các sự kiện trường học, khu vui chơi, lớp ngoại khóa để học cách giao tiếp và hợp tác; khuyến khích con bày tỏ ý kiến khi tham gia hoạt động chung.

4- Dạy kỹ năng sống qua trò chơi
- Trò chơi đóng vai: Khuyến khích trẻ đóng vai các nhân vật trong gia đình, trường học hoặc các tình huống xã hội khác (ví dụ: bác sĩ – bệnh nhân, người bán hàng – người mua hàng). Qua đó, trẻ học được cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với từng vai.
- Trò chơi hợp tác: Tổ chức các trò chơi đòi hỏi sự phối hợp, làm việc nhóm giữa các thành viên trong gia đình (ví dụ: cùng nhau xây tháp, giải đố). Điều này giúp trẻ học được kỹ năng hợp tác, chia sẻ và giải quyết vấn đề cùng nhau.
- Trò chơi vận động: Các trò chơi vận động không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và khả năng tuân thủ luật lệ (ví dụ: các trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, cờ vua, cá sấu lên bờ…).

5- Dạy kỹ năng sống qua việc phân công nhiệm vụ trong gia đình
- Phân công công việc vừa sức: Giao cho trẻ những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi trong gia đình (ví dụ: sắp xếp đồ chơi, tự mặc quần áo, giúp đỡ dọn bàn ăn, tưới cây).
- Khuyến khích tự phục vụ: Tạo điều kiện để trẻ tự làm những việc cá nhân như tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân, tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân khi đi ra ngoài.
- Hướng dẫn và kiên nhẫn: Ban đầu, hãy hướng dẫn trẻ cách thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, khuyến khích trẻ tự làm và kiên nhẫn chờ đợi trẻ hoàn thành, không làm thay trẻ.

Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi không cần phức tạp, chỉ cần sự kiên trì và tình yêu thương mỗi ngày. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên giúp trẻ bước vào đời với tâm thế tự lập và hạnh phúc. Hãy bắt đầu từ hôm nay để con sẵn sàng cho một hành trình trưởng thành tự tin.
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ: Số 8 đường Tu Hoàng, Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Hotline: 086 992 7887 – (024) 335 455 66
- Email: [email protected]
- Website: https://phenikaa.edu.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/truongphothongliencapphenikaa