Để ôn tập và làm tốt bài thi môn Vật lí trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, giáo viên đưa ra những kiến thức, kỹ năng cần lưu ý với môn học này.
Xem thêm:
- Book Fair 2024 – Ngày hội xây dựng văn hóa đọc ý nghĩa tại Phenikaa School
- Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024: Xuân gắn kết – Tết ba miền
Hiểu về đề thi Vật lí
Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo môn Vật lí Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo cô Nguyễn Thị Minh Thu, giáo viên Trường THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội), đề bao gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án lựa chọn được sắp xếp thành 2 nhóm: nhóm có mức độ nhận biết thông hiểu từ câu 1 – 30, nhóm có mức độ vận dụng, vận dụng cao từ câu 31 – 40.
Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, kiến thức trọng tâm. Đề thi với các câu hỏi quen thuộc, các dạng câu hỏi khó vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lí 12 là: Dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, điện xoay chiều và sóng ánh sáng.
Kiến thức lớp 12 chiếm 90% đề thi (36/40 câu); lớp 11 chiếm 10% đề thi (4/40 câu) chủ yếu rơi vào các cấp độ nhận biết và thông hiểu, không có câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao thuộc các chương: Điện tích – điện trường, dòng điện không đổi, từ trường.
Các câu hỏi câu hỏi lý thuyết chiếm 55% thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu được sắp xếp từ câu 1 đến câu 22. 45% các câu hỏi bài tập thuộc mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao được sắp xếp từ câu 23 tới câu 40.
Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt từ 7 – 7,5 điểm. Đề không đánh đố, với học sinh chắc kiến thức, có năng lực, tư duy tốt có thể đạt điểm 8 – 9.
Cấu trúc ma trận đề thi về tỷ lệ mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ma trận đề tham khảo môn Vật lí như sau:
Những lưu ý khi ôn tập
Lưu ý học sinh trong ôn tập môn Vật lí, cô Nguyễn Thị Minh Thu cho rằng, từ nội dung đề tham khảo, cũng như đề thi qua các năm, khi ôn tập học sinh cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Vật lí 12 của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH.
Các em cũng cần củng cố kiến thức lý thuyết đã học thông qua các sơ đồ tư duy, lập bảng tóm tắt, bảng so sánh, ghi chú và gạch chân các từ khóa.
Để giải quyết các câu hỏi bài tập mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh cần ghi nhớ được các công thức và các đại lượng trong công thức và đơn vị.
Ngoài ra, cần chủ động luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài tập mức độ cơ bản, tính toán thật chính xác, kỹ càng, không được chủ quan, hạn chế tối đa những sai sót có thể.
Để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào việc xét tuyển vào các trường đại học, học sinh phải rèn thêm kỹ năng phân tích và tư duy giải quyết vấn đề.
Không vội chốt đáp án, đặc biệt là câu trắc nghiệm định tính
Cũng nhận định về đề tham khảo Vật lí, thầy Nguyễn Văn Toàn, giáo viên Trường THCS – THPT Phenikaa cho rằng: Đề thi cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm 2023 với khoảng 90% kiến thức dựa trên chương trình lớp 12 và khoảng 10% còn lại từ chương trình lớp 11.
Vì thế, học sinh không nên quên việc ôn tập kiến thức của lớp 11 (đặc biệt phần dòng điện không đổi, từ trường, cảm ứng điện từ).
Về mức độ, đối với học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp thì đề tham khảo khá vừa sức khi dễ dàng đạt điểm 5. Tuy vậy mức độ phân hoá học sinh cũng khá cao đặc biệt ở 8 câu vận dụng cao cuối đề thi (nằm ở các chương: Dao động cơ; Sóng cơ; Điện xoay chiều; Sóng ánh sáng). Những câu khó có liên quan đến thực tiễn, ứng dụng mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và tính toán.
Khi làm bài thi, thầy Nguyễn Văn Toàn lưu ý cần bình tĩnh đọc kỹ câu hỏi, không vội vàng trong việc chốt đáp án cuối cùng, đặc biệt là những câu trắc nghiệm định tính.
Nhiều câu hỏi đọc xong có cảm giác rất dễ nhưng có khi bị lừa về mặt bản chất Vật lí.
Các em nên chia các mốc hoàn thành bài thi rõ ràng để phân phối thời gian hợp lý. Sau khi hoàn thành câu 30 – 32 câu đầu tiên, cần kiểm tra qua một lượt để đảm bảo độ chính xác cao trước khi dồn sức cho các câu hỏi khó cuối đề. Còn 3 phút cuối cùng hãy kiểm tra thật kỹ đáp án được tô tránh sai sót, nhầm lẫn.
Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Bộ GD&ĐT cho biết, trong đề thi sẽ có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn, từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực để phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Do đó, thí sinh cần lưu ý hãy luôn dành thời gian ưu tiên cho việc ôn tập để thật chắc kiến thức cơ bản sau đó phát triển các dạng bài nâng cao đồng thời tìm hiểu các dạng bài liên hệ tới cuộc sống thực tiễn.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại