“Hộp cát tương tác” là sản phẩm ấn tượng được lên ý tưởng, phát triển và thiết kế bởi thầy Phạm Việt Dũng – Giáo viên Vật lý kiêm chủ nhiệm phòng MakerSpace tại Phenikaa School. Đây là sản phẩm STEM độc đáo và hữu ích, giúp giáo viên và học sinh khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.
“Hộp Cát Tương Tác” từ những ngày đầu hoàn thành đã nhận được sự quan tâm và yêu thích của đông đảo giáo viên và học sinh tại Phenikaa School. Sản phẩm được thầy Dũng lấy ý tưởng từ “thị giác máy” khi nghiên cứu về điện điện tử, thực tế ảo và thực tế tăng cường. Sau thời gian dài nghiên cứu, đo đạc, thiết kế 3D, gia công và lắp ráp chạy thử thì cuối cùng hộp cát cũng đã thành công.
Thầy Phạm Việt Dũng và hộp cát tương tác tại phòng MakerSpace
Đây là sản phẩm hữu ích giúp các em học sinh học tập liên môn một cách thú vị và hiệu quả, thầy Dũng chia sẻ: “Hộp cát tương tác sẽ kích thích sự hứng thú của học sinh vừa học vừa chơi, trở thành công cụ giảng dạy tích cực của thầy cô giáo trong môn Địa lí, Lịch sử, khoa học Trái đất,… Trong môn Địa lí, khái niệm đường đồng mức – contour line trở nên dễ hiểu hơn, địa hình của các khu vực khác nhau có thể được tái hiện trực quan. Đối với môn Lịch sử, “Hộp cát tương tác” sử dụng tái hiện được các trận thắng lớn của dân tộc Việt Nam như chiến thắng đồi A1, chiến thắng sông Bạch Đằng…”
Độc đáo và nhiều công dụng hữu ích, đồng nghĩa với việc tạo ra sản phẩm cũng gặp phải những khó khăn. Thầy Dũng cho biết: “Đây là một dự án khá phức tạp nên cũng gặp phải nhiều thách thức. Ví dụ như cần phải đo đạc độ phóng đại, độ lệch tâm của máy chiếu và mắt thần, độ cao của 2 máy để có sản phẩm tốt nhất. Nhưng nhiều khi làm xong thì tổng chiều cao lại quá lớn nên không ra được khỏi cửa nên lại phải cưa bớt chân bàn sau khi đã lắp xong. Vì cát cần phải hơi ẩm để kết dính tốt nên hộp cát phải được sơn chống thấm và trét keo silicon vào các kẽ. Phần mềm lúc đầu bật lên cũng không chạy, thử nhiều cách khác nhau vẫn không được,… Những lúc đó tưởng đã thất bại, nhưng sau một thời gian nghiên cứu tìm cách khắc phục lỗi thì cũng đã hoàn thành và chạy được. Lúc hộp cát hoạt động, thực sự cảm giác rất vui sướng”.
Được phát triển bởi một giáo viên đầy nhiệt huyết và đam mê STEM, “Hộp cát tương tác” không chỉ là một sản phẩm giáo dục mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Các chi tiết được thiết kế với sự tỉ mỉ và chăm chút, tạo ra một sản phẩm đẹp mắt và đầy sáng tạo.
Một số hình ảnh về “Hộp cát tương tác”: