Với cách tổ chức lớp học hiện đại cùng phương châm lấy “học sinh làm trung tâm”, các tiết học Văn theo chủ đề được các bạn học sinh Trung học Phenikaa đón nhận một cách hào hứng và say mê
“Con cò là cò bay lả, lả bay la. Bay từ là từ cửa phủ, bay ra là ra cánh đồng, tình tính tang là tang tính tình…”
Không bắt chước theo lối hát luyến láy, nhấn nhá kĩ thuật như nghệ sĩ chuyên nghiệp, Nguyễn Phan Anh – học sinh lớp 7A1- say sưa thả hồn vào lời bài hát “Cò lả” trong tràng pháo tay cổ vũ của cả lớp. Theo lời bộc bạch, những câu hát ấy gắn liền với tuổi thơ Phan Anh từ thuở lọt lòng, lớn lên trong lời ru ầu ơ của bà, bên cạnh những câu chuyện cổ tích con cóc, nàng tiên. Hát dân ca chỉ là một trong nhiều trải nghiệm học tập, thực hành nghệ thuật khác của học sinh lớp 7A1 khi triển khai nghiên cứu chủ đề bài học “Ca dao, dân ca Việt Nam”.
Các tiết học tại trường Trung học Phenikaa đều không bó hẹp phạm vi tìm tòi kiến thức, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, các bạn học sinh khám phá, khai thác thông tin liên quan đến chủ đề bài học từ nhiều nguồn sách báo, tạp chí ngoài sách giáo khoa. Thú vị hơn, một nhóm học sinh thực hiện khảo sát, ghi nhận ý kiến của những người thân trong gia đình về vấn đề: “Ca dao còn cần thiết với cuộc sống hiện nay?”. Những lời tâm sự, chia sẻ của bà và mẹ đã giúp các bạn học sinh lớp 7A1 có thêm góc nhìn, quan điểm trước một hiện tượng cuộc sống.
Thay vì thầy trực tiếp lên lớp giảng dạy, truyền thụ kiến thức một chiều, các bạn học sinh trường Trung học Phenikaa tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua hoạt động trải nghiệm đa dạng từ đó hình thành năng lực cảm thụ, sáng tạo và tự biết cách đánh giá sản phẩm cũng như kết quả học tập của mình. Chính quá trình tự khám phá và thực hành, các em hiểu biết vấn đề sâu hơn thay vì chỉ nghe giảng và chép bài.
Theo cô giáo Lê Thị Hương – Tổ trưởng Tổ Khoa học Xã hội THCS – THPT Phenikaa, bước đầu dạy theo chủ đề trong môn Ngữ Văn đang cho thấy hiệu quả trong cách học, khơi mở tư duy chủ động, sáng tạo của học sinh Trung học Phenikaa. Thời gian qua, việc dạy học theo chủ đề đã tăng độ kích thích, thu hút sự tương tác cũng như tiếp nhận tri thức của học trò. Trên cơ sở xây dựng các hoạt động giáo dục, thầy cô xây dựng được bộ câu hỏi phù hợp với mức độ: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng sáng tạo nhằm cá nhân hóa việc học tập của học sinh.
Sau chủ đề “Ca dao, dân ca Việt Nam”, thời gian tới, tổ Khoa học Xã hội tiếp tục tổ chức nghiên cứu bài học liên môn Văn-Sử-Địa với chủ đề “Nỏ thần và trái tim” dành cho học sinh THCS – THPT Phenikaa. Hoạt động học tập này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm bổ ích, khơi gợi trí tò mò, khám phá tới các bạn học sinh và góp phần kiến tạo nên môi trường học tập Nhân văn – Cộng tác – Sáng tạo.