Khi học sinh nêu rằng định dành kỳ nghỉ hè để… ngủ, bà Phạm Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động Thương Binh Xã hội khuyên em tìm một sở thích, khám phá bản thân để bộc lộ tiềm năng.
Khi được hỏi về đam mê cá nhân, em Hoàng Tuấn An (học sinh Trường THCS Xuân Phương) cho biết rằng em chưa tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Vừa kết thúc năm học, An dự định dành kỳ nghỉ hè để… ngủ. Ngoài ra, những lúc buồn chán, em có thể ra ngoài đi dạo, đi đá bóng cùng bạn bè.
Vấn đề của An được bà Phạm Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động Thương Binh Xã hội động viên và nhắc rằng em nên tìm một sở thích cá nhân, khám phá con người mình. Bởi theo bà Việt, các bạn trẻ cần hiểu bản thân để tìm được công việc mà mình yêu thích, từ đó mới có thể bộc lộ được tiềm năng của bản thân và đóng góp cho xã hội.
Học sinh và các chuyên gia đối thoại tại chương trình “Tọa đàm truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh”
Chia sẻ của em An và bà Việt nằm trong chương trình “Tọa đàm truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh” được tổ chức tại Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa, với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo và các sở, ban, ngành liên quan; cùng hơn 400 học sinh, giáo viên của các trường THCS, THPT đi đầu trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại tọa đàm này, em Đinh Tuân (học sinh lớp 7, Trường THCS Xuân Phương) tự tin chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp là thiết kế, xây dựng một phần mềm tin học để quản lý tất cả đồ dùng, thiết bị trong nhà. Ý tưởng này của Quân xuất phát từ chính nhu cầu của em, bởi em thường xuyên quên mất nơi đã cất những vật dụng nhỏ.
Tuân đang tìm hiểu các cách thức để phát triển phần mềm này. Dành lời khuyên cho Tuân, ông Phạm Anh Tuấn, Phó TGĐ tập đoàn Phenikaa nhận định rằng Tuân có ý tưởng khá thiết thực. Do vậy, em cần xác định rõ từng bước đi trong tương lai để phát triển dự án này.
Em Tuân bày tỏ quyết tâm: “Đầu tiên, con sẽ xây dựng, rồi tự mình kiểm tra, sử dụng cho bản thân mình trước. Sau đó con sẽ miễn phí để mọi người dùng thử. Khi mọi người dùng tốt con sẽ bán sản phẩm này. Con sẽ kêu gọi cổ đông”.
Toàn cảnh “Tọa đàm truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh”
Một học sinh khác có mặt tại tọa đàm cho hay, gia đình em kinh doanh nên em chỉ có ý định tiếp quản công ty của gia đình và phát triển nó. Tuy nhiên nghe các thầy cô chia sẻ kinh nghiệm đi trước, em nhận thấy rằng để phát triển doanh nghiệp cần có sự linh hoạt và đổi mới sản phẩm của mình. Đây là kinh nghiệm quý báu đối với em.
Học sinh này bộc bạch rằng em sẽ chiêm nghiệm theo lời khuyên của các chuyên gia về “thứ mình thích”, “thứ mình giỏi”, rồi tìm hiểu thị trường và tìm hiểu thị trường và nhu cầu của mọi người.
Tọa đàm “Truyền cảm hứng khởi nghiệp dành cho học sinh THPT thành phố Hà Nội” nằm trong khuôn khổ của Đề án 1665 – “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường.
Nhờ những thông tin bổ ích mà các diễn giả chia sẻ, học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các bạn sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn là cầu nối để học sinh có cơ hội học hỏi, được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ những diễn giả đã và đang khởi nghiệp thành công.
Qua đó, giúp các em có thêm kiến thức, sự tự tin trong chặng đường lập nghiệp sau này, tìm kiếm được các nguồn lực hỗ trợ và kết nối, học hỏi từ người đi trước. Cũng tại đây, các em học sinh có dịp hỏi đáp với các doanh nhân, nhà quản lý nổi tiếng, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó giúp các em rút ra những bài học, những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng mở cánh cửa khởi nghiệp trong tương lai.
Thông qua buổi tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa khát vọng khởi nghiệp đến các em học sinh, thúc đẩy đam mê nghiên cứu sáng tạo và dám biến ý tưởng thành hiện thực, đồng thời trang bị cho các em thêm kiến thức, kĩ năng để tự tin dấn thân, chủ động sáng tạo trong hành trình khởi nghiệp từ ghế nhà trường.
Theo Báo Dân trí