Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, thí sinh cần chủ động ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng cách sơ đồ hóa, ghi giấy nhớ kiến thức quan trọng.
Xem thêm:
- Hệ chương trình Chất lượng cao Phenikaa
- Đỗ Nguyễn Mai Anh – Cô học trò của Phenikaa School xuất sắc giành hàng loạt huy chương tại The World Scholar’s Cup 2024
Dưới đây là cách mà cô Đình Thị Thuỷ, giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội đưa ra lời khuyên về cách học và làm bài tốt của môn Ngữ văn cho sĩ tử 2k6 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Về cấu trúc và phạm vi kiến thức: đề thi tham khảo Bộ GD&ĐT vẫn duy trì tính ổn định như các năm trước đây về cấu trúc mà mức độ nhận thức (mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp là chủ yếu, mức độ vận dụng cao chiếm tỉ lệ không nhiều).
Theo như ma trận đề thi tham khảo, học sinh không bị quá áp lực với mục tiêu tốt nghiệp THPT.
Với đề thi tham khảo này, giáo viên khi giảng dạy phải chú trọng vào việc giúp học sinh biết, hiểu rõ cấu trúc đề, kĩ năng thực hiện từng yêu cầu của đề (cụ thể, khoa học, sáng rõ). Hệ thống hóa các đơn vị kiến thức theo chủ đề/bài học.
Khảo sát chất lượng học sinh qua các bài tập (theo cấu trúc đề thi) để có hướng dạy/ôn tập cho học sinh theo trình độ, năng lực, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm hạn chế của học sinh.
Đối với học sinh để làm tốt bài thi Ngữ văn cần chủ động ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng cách: sơ đồ hóa, ghi giấy note kiến thức quan trọng, tham khảo tư liệu để có kiến thức ở mức nâng cao, có chiều sâu (nhằm đạt điểm tối đa, nhất là phần nghị luận văn học).
Thành thạo các kĩ năng thực hiện yêu cầu của từng phần/từng câu trong đề thi. Ví dụ: đọc hiểu có thể có các dạng câu hỏi nào/cách trả lời ra sao;
Viết nghị luận xã hội cần đảm bảo cấu trúc, có lý lẽ, dẫn chứng cho yêu cầu trọng tâm của đề, có bàn luận mở rộng khi cần và có bài học, suy tưởng của bản thân.
Các phạm trù/lĩnh vực/vấn đề đời sống có thể quan tâm: phát triển trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, thái độ sống có bản lĩnh, sự chủ động, sáng tạo hay ứng xử nhân văn, tiến bộ…
Nghị luận văn học: tập trung học, hiểu rõ giá trị nội dung, nghệ thuật của từng tác phẩm; rèn kĩ năng viết phân tích, đánh giá một đoạn trích/một nhân vật… trong tác phẩm
Học sinh cần ôn luyện trong tâm thế chủ động, tĩnh tâm, học sâu, học kĩ, có mở rộng, phản biện để bài làm có chất lượng, thể hiện tư duy sắc sảo, mang dấu ấn cá nhân.
Không chủ quan, ôn luyện kĩ các dạng đề, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu trọng tâm, học sinh cần chú ý: câu thông hiểu, vận dụng của phần đọc hiểu cần trọn vẹn, sâu sắc, sáng tạo;
Câu nghị luận xã hội có thể “làm mới” bằng cách sử dụng lí lẽ, dẫn chứng cho thật xác đáng, độc đáo, hấp dẫn;
Câu nghị luận văn học ngoài việc hoàn thành yêu cầu của đề, chú ý giải quyết yêu cầu phụ đầy đủ, sâu sắc, bài văn có thể kết hợp với lời bình của chuyên gia, trích dẫn lý luận văn học để chinh phục tuyệt đối giám khảo;
Ngoài tư duy logic, cần trau dồi và nâng cao tư duy phản biện, tư duy hình ảnh để bài làm có sức thuyết phục, ấn tượng.
Chú ý hình thức trình bày, dung lượng mỗi phần, cân đối thời gian…
Những thí sinh môn Ngữ văn không phải là thế mạnh cần ôn tập kiến thức trọng tâm cho từng tác phẩm văn học trong chương trình, luyện viết bài văn
Luyện kĩ năng trả lời các câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi, học và nhớ theo dạng “công thức” làm bài;
Nhờ giáo viên hỗ trợ, chỉ ra điểm hạn chế, cách khắc phục, không học lệch, học tủ.
__________________________________________________________________________________________________
“Con đường học tập là một hành trình, hãy chăm chỉ và nỗ lực, học có hệ thống; thực hành luyện tập và nhờ sự chỉ dẫn, đánh giá của thầy cô. Các em có thể tham gia/giao lưu với các cộng đồng học tập uy tín (rất nhiều trang học tập online, các kênh youtube miễn phí dành cho các em)”, cô Đình Thị Thuỷ, giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội nhắn nhủ.