Với sự ra đời của công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT, các nhà giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng nhìn nhận tác động hai chiều của ứng dụng này.
Từ đó đưa ra khuyến nghị để khai thác hiệu quả.
Lợi ích và nguy cơ
Thầy Ngô Huy Tâm, chuyên gia giáo dục, Chủ nhiệm chương trình quốc tế Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, cho rằng: Với lĩnh vực giáo dục, ChatGPT có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích.
ChatGPT có thể hỗ trợ người học đưa ra các câu trả lời nhanh chóng với độ chính xác cao. Điều này giúp giảm tải khối lượng kiến thức cần phải ghi nhớ hay thuộc lòng. Thay vào đó, người học có thể tập trung vào các mục tiêu giáo dục ở cấp nhận thức cao hơn là tổng hợp, phân tích, đánh giá và sáng tạo (theo Hệ phân loại mục tiêu giáo dục theo nhận thức Bloom).
Ngoài ra, ChatGPT được đào tạo bằng máy học (machine learning) để có thể giúp học sinh, sinh viên cải thiện kỹ năng viết. Một trong những tiềm năng đột phá của ChatGPT về quy trình viết học thuật là có thể giúp học sinh, sinh viên lên cấu trúc và hình thành ý tưởng cũng như suy nghĩ của mình. ChatGPT cũng có thể hoạt động như một trợ lý viết “thông minh” bằng cách cung cấp cho người dùng các đề xuất về những thay đổi hoặc cải tiến trong phong cách viết hoặc ngữ pháp.
Tuy nhiên, điều khiến ChatGPT được cả thế giới quan tâm và dậy sóng, không chỉ nằm ở khả năng “biết tuốt”, nói chuyện như người thật, mà còn ở những rủi ro tiềm ẩn mà nó mang lại một khi chatbot này được phổ biến rộng rãi. Cảnh báo đầu tiên mà thầy Ngô Huy Tâm đưa ra là tính chính xác của thông tin.
Theo đó, dù là “cỗ máy” thông minh và được đào tạo để đọc, tổng hợp hàng triệu, thậm chí hàng tỷ văn bản, nhưng ChatGPT không có khả năng sao chép kỹ năng phân tích, phản biện của một người thật. Bên cạnh đó, cơ chế đưa ra các câu trả lời của ChatGPT nằm ở 175 tỷ tham số và việc xử lý hàng tỷ từ chỉ trong một giây để có thể đưa ra câu trả lời tối ưu nhất, với xác suất chính xác cao nhất.
Vì thế chất lượng câu trả lời và độ chính xác mà ChatGPT đưa ra phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống dữ liệu đầu vào. Trong bối cảnh tin giả (fake news) xuất hiện ngày càng nhiều, việc học sinh, sinh viên phụ thuộc hay sao chép hoàn toàn từ ChatGPT sẽ đưa các em đến nguy cơ hiểu sai, hiểu nhầm kiến thức và sự thật.
Cùng đó là nguy cơ gian lận, thiếu liêm chính trong học thuật. Theo thầy Ngô Huy Tâm, đây là mối lo ngại lớn của nhiều nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục. Tại Mỹ, hệ thống trường bang New York, hệ thống giáo dục lớn nhất của quốc gia này, đã cấm học sinh sử dụng phần mềm ChatGPT vì lo ngại nguy cơ gian lận, làm hộ bài tập ở môn học. Khi đó, động lực học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Mối lo ngại thứ ba được thầy Ngô Huy Tâm nhắc đến là sự ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên. Bởi dù với khả năng ưu việt của mình, ChatGPT vẫn chỉ là một “cỗ máy” vô tri và không thể sao chép được các kỹ năng phân tích, phản biện của một người thực. Do đó, nó có thể đưa ra các gợi ý để cải thiện bài viết và câu trả lời, nhưng không thể thay thế được người học ở khả năng phân tích sâu sắc hay phản biện.
Cân nhắc và kiểm soát
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), khẳng định: Trong thời gian tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng người dùng trong hệ sinh thái GPT sẽ được các EdTech – công nghệ giáo dục đón nhận, tích hợp và phát triển trên những nền tảng hỗ trợ dạy học (trải nghiệm đắm chìm, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, nền tảng số song sinh…) trong các môn học để nâng hiệu suất và hiệu quả học tập. Dù chưa được hỗ trợ cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam (mặc dù công cụ hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt khá tốt), nhưng ChatGPT được trải nghiệm và đón nhận khá hào hứng.
Là chuyên gia về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường đưa ra một số khuyến nghị mang tính dự báo. Theo đó, trước mắt, trong những điều kiện cho phép, có thể tích hợp dùng ChatGPT một cách có cân nhắc và kiểm soát, như sử dụng ChatGPT trong một số hoạt động dạy học mang tính gợi mở, “công não”, khám phá thông tin sơ bộ.
Ví dụ như tạo lập ý tưởng, lập dàn ý, tóm tắt cho một vấn đề, chủ đề học tập, nghiên cứu; rèn kỹ năng đặt câu hỏi đa dạng, triển khai vấn đề; kết hợp mở rộng thông tin tham khảo kiến thức với các hoạt động đánh giá phù hợp để xác thực thông tin (trong xây dựng nội dung học liệu hỗ trợ dạy học); rèn kỹ năng đánh giá và kiểm chứng thông tin (nếu đúng như vậy thì tại sao? Bằng cách nào để khẳng định sự đúng đắn? Câu trả lời không quan trọng, mà quan trọng là cách tìm ra câu trả lời…).
Mặt khác, nếu thực sự coi ChatGPT là phương tiện, công cụ hỗ trợ học tập (tương tự như các công cụ phần mềm được áp dụng hiện nay), cần đảm bảo các yếu tố về liêm chính học thuật. Ví dụ, cho phép người học được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ học tập và kiểm tra đánh giá ở mức độ đơn giản, bắt buộc phải ghi chú phần nào do ChatGPT thực hiện trong quá trình diễn giải nội dung hay trích dẫn nguồn từ ChatGPT…
ChatGPT là một chatbot do OpenAI phát triển và nó không nhằm mục đích sử dụng như một công cụ giáo dục. ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người thực hiện, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, cuộc trò chuyện thú vị hoặc đơn giản để phục vụ nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, nó không được thiết kế để sử dụng cho mục đích dạy học – TS Tôn Quang Cường.
(Theo Giáo dục và Thời đại)