‘Phenikaa chèo về quê hương’ là dự án học tập của học sinh khối Trung học Phenikaa với mục đích tạo cơ hội để các em được tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc. Là những công dân thời đại công nghệ số, Phenikers vẫn không quên đi các giá trị văn hóa cội nguồn, từ những điệu chèo xưa.
Victor Huygo, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Pháp thế kỉ 19 từng nói: “Không có đất nước nào nhỏ bé. Sự vĩ đại của một dân tộc không được quyết định bởi số người, cũng như sự vĩ đại của một người không được đo bằng chiều cao của anh ta”.
Và cũng bởi thế, sự vĩ đại của một dân tộc có lẽ được đo bằng bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa? Câu hát “Tiếng Việt còn trong mỗi người/ Người Việt còn thì còn nước non” như một lời khẳng định giá trị, sức sống trường tồn của tiếng Việt qua năm tháng.
Ý thức về nguồn cội dân tộc, giá trị bản sắc văn hóa truyền thống quê hương, các em học sinh lớp 7A1 đã thực hiện dự án học tập môn Ngữ Văn với tên gọi “Pheniker chèo về quê hương”. Ở cách đặt tên, “chèo” vừa được hiểu với nghĩa danh từ, vừa được hiểu với nghĩa động từ. Đó là một hành trình về nguồn, tìm hiểu loại hình nghệ thuật cổ xưa của ông cha thông qua hệ thống việc làm như: nghiên cứu, tìm tòi, phân tích tư liệu, phỏng vấn…
Để có được những số liệu thống kê xác thực, các Phenikers đã phân công công việc một cách “tròn vai”, phỏng vấn và đưa ra thử thách “Hát chèo” với các bác nhân viên bảo vệ, thầy cô và các cán bộ nhân viên trong Nhà trường.
Kéo dài trong một tháng với sự phân công nhiệm vụ từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, trải nghiệm, chuyển thể sang Hội họa, ‘Pheniker chèo về quê hương’ thể hiện sự bản lĩnh, nhiệt huyết của mỗi Pheniker đối với dự án học tập, khi các em sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chưa từng thử sức. Các nhiệm vụ dự án được giáo viên chia nhỏ, học sinh tự nhận theo năng lực cá nhân, sở thích và cả những khuyến khích để trải nghiệm những điều mới, biến những điều chưa thể thành có thể.
Trong thời gian 90 phút của chương trình, các ba mẹ, các Quý Phụ huynh và các bạn học sinh đã cùng nhau trải qua các nội dung chính bao gồm: Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài ‘Tìm hiểu nghệ thuật Chèo Việt Nam’; Nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài ‘Nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại’; Báo cáo nghiệm thu đề tài “Khi nghệ thuật truyền thống vào phim – Trường hợp phim “Mùi Cỏ Cháy” (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười).
Bên cạnh đó, các Phenikers khối 7 cũng giới thiệu sản phẩm hội họa do nhóm chuyển thể thực hiện; Phân tích nhân vật Thị Kính và nỗi oan thứ nhất. Và một nội dung được mong chờ nhất là Sân khấu hóa tác phẩm văn học do nhóm biên kịch, đạo diễn, diễn viên nhà hát 7A1 thực hiện.
Cùng xem lại những hình ảnh ấn tượng tại đây