Nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay, có rất nhiều kết quả đáng tự hào, thể hiện qua 3 chữ C: Cam kết, Công bằng và Chất lượng.Diễn đàn giáo dục 2019 với chủ đề “Những viễn cảnh giáo dục mới” (Vietnam Educamp 2019), do Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kết hợp với Câu lạc bộ Giáo dục mới tổ chức, đã diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.
Với nội dung xoay quanh giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, Vietnam Educamp 2019 là điểm gặp gỡ của các nhà giáo dục cũng như những người quan tâm đến giáo dục, là nơi chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm thực tế hoặc kết quả nghiên cứu mới nhất.
Phát biểu tại diễn đàn, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ năm học 2019-2020 được coi là năm bản lề cho những đổi mới căn bản trong trường học dưới tác động của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới kể từ năm 2020.
Nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay, có rất nhiều kết quả đáng tự hào, thể hiện qua 3 chữ C.
Chữ C đầu tiên là “Cam kết.” Giáo dục và đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu trong các văn bản chiến lược. Mức đầu tư công của Việt Nam đối với giáo dục luôn bảo đảm 20% tổng chi, khoảng 5,8% GDP, nằm trong mức cao so với các nước trong khu vực.
Chữ C thứ hai là “Công bằng.” Đây là điểm mạnh của giáo dục Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Việt Nam đã đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục Tiểu học từ những năm 2000, cấp Trung học cơ sở vào năm 2010 và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017.
Tỷ lệ nhập học của học sinh có điều kiện khó khăn, dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.
Chữ C thứ ba là “Chất lượng.” Kết quả của Việt Nam trong các kỳ đánh giá quốc tế PISA, hay trong những cuộc thi Olympic các môn khoa học hằng năm là minh chứng cho chất lượng của giáo dục phổ thông.
uy nhiên, theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Vinh, giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đạt kết quả cao trong các kỳ thi đánh giá quốc tế, học sinh Việt Nam các cấp vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn.
Giáo dục đạo đức, lối sống cũng là một chủ đề nóng, được quan tâm trong thời gian gần đây. Đó không chỉ là vấn đề trong phạm vi của nhà trường mà của cả gia đình và toàn xã hội.
Cũng tại diễn đàn, nói về chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ:
Băn khoăn nhiều nhất của các thầy cô là đổi mới phương pháp dạy học như thế nào trong điều kiện sĩ số học sinh đông và thói quen của giáo viên xưa nay.
“Chúng tôi cũng quan niệm kiểm tra, đánh giá cũng giống như bánh lái của một con tàu. Do đó sắp tới nếu như chúng ta không đổi mới trong kiểm tra, đánh giá thì ý tưởng đổi mới chương trình, sách giáo khoa không có ý nghĩa nhiều.
Sắp tới chắc rằng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia- được coi là chốt chặn cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông phải đổi mới. Nếu như chốt chặn cuối cùng này không đổi mới thì việc dạy học trong các nhà trường chắc cũng chẳng có thay đổi gì”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cho biết thêm, lộ trình đến tháng 9 năm 2020 thì toàn quốc sẽ đưa sách giáo khoa lớp 1 mới vào các nhà trường theo hình thức cuốn chiếu vào các lớp cao hơn.
Hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình hoàn tất thẩm định sách giáo khoa lớp 1 và đến ngày 30/9 tới đây sẽ kết thúc thời gian thẩm định này.
Ông Hùng cũng đưa ra dự đoán, sách giáo khoa mới sắp tới sẽ có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành.
Nguồn: giaoduc.net