Cô Trần Thị Thu Huyền có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy Công nghệ thông tin. Cô luôn mong muốn được góp phần xây dựng, chuẩn hoá chương trình đào tạo Khoa học máy tính cho học sinh phổ thông và đưa chương trình tiếp cận đến thật nhiều học sinh Việt Nam.
Cô Trần Thị Thu Huyền tốt nghiệp ĐH Quốc tế chuyên ngành Khoa học máy tính thuộc Chương trình hợp tác giáo dục ĐH Bách Khoa Hà Nội – Genetic Singapore. Cô có hơn 10 năm giảng dạy, nghiên cứu về CNTT tại các trường, đơn vị giáo dục lớn. Trong đó, cô đã tham gia một số dự án biên soạn và thẩm định sách, chương trình đào tạo Công nghệ thông tin cho học sinh tiểu học, trung học.
Các công việc cô Thu Huyền đã tham gia: Thiết kế, biên soạn chương trình CNTT cho học sinh, Điều phối chương trình, hoạt động giảng dạy CNTT, Tham gia đào tạo giáo viên, Tư vấn, hỗ trợ triển khai chương trình ICT tại các trường tư thục lớn tại Hà Nội; Tham gia thẩm định bộ chương trình Tin học do Microsoft và Cục CNTT triển khai; Tham gia triển khai dự án Microsoft Partners in Learning/ Mentor School; Hỗ trợ, đào tạo giáo viên và học sinh các hoạt động giảng dạy, học tập liên quan đến ICT tại Trường quốc tế Singapore; Tham gia triển khai dự án Microsoft Partners in Learning / Innovative School tại Trường quốc tế Singapore; Tham gia xây dựng giáo trình Tin học IC3 Spark – IIG.
Với nền tảng chuyên môn là Khoa học máy tính, cùng với lòng yêu trẻ và tâm huyết với giáo dục phổ thông, cô Huyền đã không ngừng tìm tòi những cơ hội học hỏi để trang bị các kiến thức, kỹ năng sư phạm, kỹ năng giảng dạy từ các chuyên gia trong và ngoài nước để áp dụng các kỹ thuật dạy học vào giảng dạy bộ môn Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính một cách mới mẻ, hiệu quả và truyền cảm hứng tại các ngôi trường mà cô đã từng công tác.
Cô Huyền cho rằng thực tế ngày nay trẻ em trong bối cảnh cuộc sống hiện đại đang bị tác động và chi phối nhiều bởi công nghệ. Các em đang lớn lên cùng dòng chảy của công nghệ và sẽ là những công dân trong xã hội công nghệ, các em phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng công nghệ để không chỉ thích nghi với cuốc sống mà còn có thể làm chủ công nghệ và thậm chí trở thành nhà sáng tạo công nghệ, hoạch định chính sách và đổi mới của tương lai. Và theo dòng chảy này, công nghệ sẽ còn tiếp tục những bước tiến xa hơn nữa với cách mạng công nghiệp 4.0, với trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Robot, 3D, Big Data…
Từ thực tế đó, cô Huyền nhận định việc trang bị kiến thức, kỹ năng Công nghệ cập nhật và chuẩn quốc tế cho trẻ em từ sớm đã trở nên cấp thiết. Cô đã bắt tay vào nghiên cứu, cập nhật xu hướng giáo dục, chuẩn đầu ra từ các bộ chương trình Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính cho học sinh phổ thông của các nước Anh, Mỹ, Singapore… để thiết kế, Việt hoá nhằm từng bước trang bị, nâng chuẩn cho học sinh Việt Nam có thể đồng chuẩn và sẵn sàng hội nhập với các bạn đồng lứa ở các nước phát triển.
Bên cạnh đó, cô luôn định hướng học sinh để kết nối việc học tập Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính gần hơn tới cuộc sống thực tế của các em, giúp các em hiểu rằng vai trò của Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính là hướng tới việc giải quyết các vấn đề của bản thân và của xã hội chứ không chỉ đơn thuần là một môn để học tập và nghiên cứu trên sách vở.
Mong muốn của cô Huyền là được góp phần xây dựng, chuẩn hoá chương trình đào tạo Khoa học máy tính cho học sinh phổ thông và đưa chương trình tiếp cận đến thật nhiều học sinh Việt Nam. Với vai trò hiện lại là TTCM bộ môn Tin học, Phenikaa School, cô Huyền tin tưởng rằng sẽ đưa được kiến thức CNTT và đam mê công nghệ tới nhiều thế hệ học sinh