Các dạng bài trắc nghiệm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đặng Thị Phượng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THCS & THPT Phenikaa, Hà Nội đã có những lưu ý quan trọng cho thí sinh với môn thi tiếng Anh, đặc biệt là chia sẻ về các dạng bài trắc nghiệm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT.
Cô Phượng cho biết, việc đầu tiên là thí sinh cần sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý cho việc học tập, nghỉ ngơi và rèn luyện sức khoẻ. Ôn tập kỹ kiến thức cơ bản của các môn, không học “tủ” một số nội dung nhất định mà bỏ qua các nội dung khác. Luyện các dạng bài sát với đề thi minh hoạ của Bộ, lưu ý những câu các em trả lời sai để có thể tránh mắc phải lỗi tương tự khi đi thi.
Chia sẻ những lưu ý cho thí sinh khi làm bài thi tiếng Anh tốt nghiệp đạt điểm cao, cô Phượng nhấn mạnh các ý sau:
Thí sinh cần tính toán, phân bổ thời gian hợp lý cho các câu hỏi, không nên dừng lại quá lâu ở 1 câu để không ảnh hưởng đến thời gian trả lời các câu hỏi khác.
Làm bài theo trình tự từ dễ đến khó: Ưu tiên trả lời các câu hỏi dễ, ngắn trước. Với những câu hỏi phức tạp, cần nhiều thời gian suy nghĩ hơn nên để lại làm sau.
Đọc kỹ đề để hiểu rõ yêu cầu cần phải làm gì, nhất là dạng bài tìm từ/cụm từ đồng nghĩa hay trái nghĩa. Điều này tưởng đơn giản nhưng do không đọc kỹ đề, khá nhiều bạn chọn nhầm đáp án.
Khi đã chắc chắn đáp án cho câu hỏi nào, tô ngay đáp án cho câu hỏi đó vào phiếu trả lời. Đánh dấu lại những câu hỏi các em đang còn phân vân để suy nghĩ thêm sau khi em đã tô xong câu trả lời cho các câu hỏi khác.
Với các dạng bài trắc nghiệm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT cụ thể, thí sinh ghi nhớ:
1. Dạng bài ngữ âm (4 câu)
Nắm vững cách đọc đuôi ‘ed’ của động từ, đuôi ‘s’, ‘es’, chú ý đến các trường hợp đặc biệt khi đuôi ‘ed’ đọc là /id như Naked (adj: không mặc quần áo), Wicked (adj: gian xảo), Beloved (adj: được yêu quý), Sacred (adj: thiêng liêng), Hatred (adj: lòng hận thù), Wretched (adj: khốn khổ). Nắm vững quy tắc đánh dấu trọng âm của các từ, lưu ý các nguyên âm thường không nhận dấu trọng âm như /ə/, /i/ hay /əʊ/.
2. Dạng bài ngữ pháp – từ vựng (12 câu)
Làm nhanh gọn, chuẩn xác các câu hỏi cơ bản chỉ kiểm tra 1 mảng kiến thức như câu hỏi đuôi, cấp so sánh hơn, nhất, mạo từ… và dành nhiều thời gian hơn cho các câu hỏi khó hoặc chứa kiến thức tổng hợp nhiều mảng như đại từ quan hệ, mệnh đề phân từ, đảo ngữ, câu điều kiện, cụm động từ…
Cố gắng tích luỹ số idioms (ngữ thức cố định) nhiều nhất có thể. 1 số ví dụ về các idiom quen thuộc gồm “See eye to eye” (agreeing with someone), “To cost an arm and a leg” (something is very expensive), “To feel under the weather” (to not feel well)…
3. Dạng bài chức năng giao tiếp
Các câu hỏi giao tiếp thường xuất phát từ những tình huống hàng ngày như cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, xin phép, đề nghị… hay những câu hỏi, câu nói thường ngày. Cần lưu ý chọn câu trả lời phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, phù hợp về ngữ nghĩa, và đảm bảo độ lịch sự, lễ phép, thân thiện, không thái độ khó chịu, nhưng cũng cần tránh những câu quá câu nệ, học thuật, không hợp với lối nói hàng ngày.
4. Dạng bài từ đồng nghĩa, trái nghĩa
Học các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đặt từ mình chọn vào câu đã cho xem có phù hợp về ý nghĩa và ngữ pháp.
5. Dạng bài tìm lỗi sai
Quan sát, phân tích thật kỹ các đáp án. Trong trường hợp các em không nhận diện được phần nào sai, hãy sử dụng phương pháp loại trừ. Nhớ thường xuyên chú ý đến thời gian làm bài thi.
6. Dạng bài đọc hiểu
Áp dụng thành thục kỹ năng skimming và scanning. Luôn gạch chân từ mới trong câu hỏi, gạch chân thông tin liên quan trong đoạn văn cho trước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ chính thức diễn ra trên cả nước vào ngày 7 và 8/7. Ngày 6/7, thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Ngày 9/7 là ngày thi dự phòng.
Thí sinh làm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Theo báo Dân việt