Trường THPT đưa đề nghị luận về “lối sống phông bạt” vào kiểm tra ngữ văn giữa kỳ, bài toán “đun sôi nước” trong đề thi vào lớp Mười 2023 tại TPHCM… là những ví dụ cho sự đổi mới trong cách ra đề thi, kiểm tra theo hướng thực tế. Tuy nhiên, những nội dung này đã gây nhiều tranh luận, một phần do còn xa lạ với cách học hằng ngày của các em ở trường.
Xem thêm:
- Cùng nghe Phenikers flex nhẹ về ngôi trường cấp 3 trong mơ
- Tiểu học: Chọn trường đúng, con hạnh phúc
Học chuyên ban khoa học xã hội, Huỳnh Thư – học sinh 1 trường THPT tại quận Phú Nhuận, TPHCM – kể, có lần, lớp làm 1 đề kiểm tra ngữ văn với 1 đoạn văn rất dài, gồm nhiều vấn đề như: tình yêu gia đình, tình yêu cộng đồng, tình yêu bản thân… Sau đó, đề yêu cầu học sinh nêu cảm nghĩ về vấn đề mà bài văn đã đề cập. “Bài văn có rất nhiều vấn đề nhưng không có cái nào rõ hơn, kỹ hơn những cái còn lại để phân tích. Đề như vậy rất khó hiểu, khiến chúng em mất nhiều thời gian hơn để làm” – Thư nói.
Bản thân Thư rất thích đề kiểm tra gần với đời sống, nhưng đề cần giải thích rõ từ ngữ để học sinh không “mắc bẫy” một cách không cần thiết. Em ví dụ: “Em rất thích đề kiểm tra “lối sống phông bạt” từng nổi tiếng trên mạng, nhưng nếu có ghi thêm chú thích phông bạt là gì thì sẽ phù hợp hơn. Bình thường, chúng em chỉ học nghị luận về xả rác, hút thuốc… nên nếu ra đề khác biệt hoàn toàn thì chúng em sẽ tốn nhiều thời gian hơn để tìm dẫn chứng. Do đó, nếu ra đề thực tế thì càng rõ ràng chúng em càng có thời gian để tìm câu chuyện thuyết phục hơn”.
Cô Nguyễn Thị Linh – giáo viên ngữ văn Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi, TPHCM) – cho biết, khi thực hiện chương trình mới, cách ra đề kiểm tra, đánh giá được quy định theo ma trận, tập trung vào 4 yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Với môn ngữ văn, ngữ liệu được yêu cầu nằm ngoài sách giáo khoa nên giáo viên phải chủ động tìm kiếm, chọn văn bản phù hợp, bảo đảm tính chính thống.
Sau đó, giáo viên dựa trên ma trận để đặt ra câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh. “Có những học sinh không tiếp xúc nhiều với không gian mạng, chỉ xem và biết vài nội dung “sốc” chứ không nghiên cứu sâu. Do đó, trong trường hợp có những từ ngữ mới thì người ra đề phải giải thích rõ phía dưới đề để học sinh hiểu” – cô nói.
Cũng theo cô, giáo viên có thể cho đề mở để học sinh tự lựa chọn theo năng lực nhưng với những dạng đề này, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian hơn để chấm điểm và đánh giá học sinh. Để học sinh thích nghi tốt với sự chuyển đổi của chương trình, giáo viên phải dạy tất cả nội dung trong sách và cả những vấn đề xã hội đang diễn ra. Bao gồm những nội dung truyền thống như bảo vệ môi trường, tình cảm con người… cho đến những vấn đề đang nổi bật trên không gian mạng. Tùy điều kiện của trường, giáo viên có thể tổ chức thêm những hoạt động trải nghiệm xã hội để học sinh báo cáo, thuyết trình, làm dự án…
Theo tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết – giáo viên ngữ văn của hệ thống Hocmai – việc ra đề ngữ văn theo hướng mở là một trong những cách phát huy tính độc lập, sáng tạo cho học sinh, gieo cho các em tình yêu với môn học. Tuy nhiên, khi ra đề mở, một số giáo viên đã lợi dụng tâm lý đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mỹ để đưa vào đề những phát ngôn, hiện tượng không đúng chuẩn mực. Điều đó có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học sinh nhưng lại không mang giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mỹ, xúc cảm đạo đức…
Không ra đề phức tạp
Đang trong quá trình ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh lớp Mười công lập, em Tường Vy – học sinh lớp Chín tại quận 3, TPHCM – cho biết, em đã xem lại đề thi tuyển sinh năm 2024 của thành phố và có phần “choáng” trước những câu hỏi thực tế, nhất là câu công thức hàm số hay giải hệ phương trình gắn với tình huống cụ thể…
“Ở lớp, em đã học toán thực tế nhưng nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Có một vài bài cũng hơi khó nhưng chỉ cần nghiên cứu một chút sẽ hiểu. Còn đề thi này thì quá dài, em nghĩ nếu thi cũng rất khó để đạt điểm cao. Em cần thích nghi từ trước để không bị “sốc” như các anh chị” – Tường Vy nói.
Cô Đỗ Trần Ngọc Lan – giáo viên toán Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình, TPHCM) – cho hay, với chương trình mới, trường ra đề kiểm tra dựa trên 2 yếu tố: yêu cầu cần đạt của chương trình và nội dung đang dạy học sinh. Ví dụ, khi học giải bất phương trình thì đề kiểm tra thường xuyên sẽ có 2/10 điểm là điểm vận dụng thấp – chính là bài toán thực tế về giải bất phương trình. Giáo viên không được làm phức tạp hơn, bảo đảm học sinh chỉ làm từ 1-2 bước để ra kết quả. Còn 8/10 điểm còn lại sẽ là phần nhận biết và thông hiểu. Phần vận dụng cao chỉ được dùng cho bài kiểm tra cuối kỳ, bao gồm: 4 điểm nhận biết, 3 điểm thông hiểu, 2 vận dụng và 1 điểm vận dụng.
Khi dạy những dạng toán này, giáo viên phải chuẩn bị nhiều hơn. Ví dụ, khi dạy về thể tích ống cống thì giáo viên phải tìm kiếm hình ảnh và chỉ rõ cho học sinh đó là gì. “Để dạy toán thực tế, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách chọn lọc các từ khóa trong đề và đặt câu hỏi liên quan để biết bài toán đang hỏi những gì. Từ đó suy luận ra cách giải quyết. Tuy nhiên, có em xác định rất nhanh nhưng cũng có em không xác định được từ khóa và giáo viên phải định hướng để học sinh sửa sai” – cô Lan nói về cách dạy của mình.
Cô cũng cho biết, trong các tiết dạy, giáo viên vừa phải dạy chương trình cơ bản, vừa phát triển thêm các bài tập nâng cao phù hợp với trình độ của từng lớp. Sau khi kết thúc bài kiểm tra cuối kỳ vào đầu tháng Năm, trường bắt đầu ôn thi tuyển sinh thì học sinh sẽ được học và làm nhiều hơn các dạng toán, dạng đề để thi lớp Mười.
Bà Đoàn Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Phenikaa (Hà Nội) – cho rằng, việc đổi mới kiểm tra đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ để xây dựng đề, tiêu chí đánh giá bảo đảm khoa học, chất lượng. Nhà trường cần hướng dẫn giáo viên cách thức ra đề mở, theo hướng tiếp cận năng lực một cách cụ thể để giáo viên từng bước thay đổi thói quen cũ; đưa việc đổi mới kiểm tra thành yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Bên cạnh đó, trường cũng cần xây dựng kho đề thi, ngân hàng đề thi để giáo viên trao đổi chuyên môn.
Theo Báo Phụ nữ
Tìm hiểu thêm về Phenikaa School tại:
Fanpage: Phenikaa School
Instagram: Phenikaa_School
Youtube: Phenikaa School
Tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của Phenikaa School tại đây hoặc ba mẹ có thể liên hệ: 086 992 7887 hoặc email: [email protected]
Xem thêm: Phenikaa School tuyển sinh khối lớp 1, 6, 10 năm học 2025 – 2026 cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn!