Breaking News đã trở thành chuỗi hoạt động được yêu thích của học sinh Trung học Phenikaa. Nối tiếp các chủ đề “hot” của các số trước, “Học online- cơ hội hay thách thức; học online – tác động tích cực hay tiêu cực” chính là chủ đề thảo luận số 7 của Breaking News tuần này.
Mỗi thứ 3 hàng tuần, học sinh lớp 7A1- Trường Trung học Phenikaa lại sôi nổi và hào hứng tham gia tranh biện và đưa ra các quan điểm của mình trước các vấn đề của đời sống, xã hội trong hoạt động Breaking News. “Học online- cơ hội hay thách thức; học online – tác động tích cực hay tiêu cực” là chủ đề nóng được các con đưa ra trong số này với rất nhiều ý kiến sâu sắc, thể hiện lối suy nghĩ đa chiều và tư duy khai phóng.
Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, học tập trực tuyến đã trở thành hình thức phổ biến. Kể từ tháng 5/2021 đến nay, học sinh Hà Nội không đến trường và thực hiện học tập online. Với phương tiện học tập là các thiết bị CNTT trên nền tảng Internet, học sinh bước vào một trải nghiệm học tập mới. Không ít bài báo đã lên tiếng nói về những hệ lụy, những ảnh hưởng tiêu cực, những khó khăn mà người học phải đối mặt. Trước thực tế đó, học sinh Phenikaa đã đưa ra nhiều quan điểm thú vị, phân tích tác động của việc học Online qua lăng kính khách quan, xem xét dưới góc độ tích cực và tiêu cực.
Lấy trải nghiệm của bản thân làm điểm tựa để đưa ra các nhận định, trong 5 phút đầu tiên các con đã tham gia thảo luận nhóm thông qua tính năng chia nhóm (breakout room) của UD Microsoft Teams. Với 2 cặp nhóm chéo, sử dụng kĩ thuật “ Ủng hộ/ phản đối”, học sinh 7A1 đã tích cực đề xuất và cùng nhau đưa ra những lập luận để bảo vệ qua điểm của mình. Sau thời gian hoạt động nhóm, buổi Breaking News bước vào giai đoạn cao trào với những ý kiến liên tiếp được đại diện các nhóm nêu lên.
Mở đầu là ý kiến của Ngọc Thảo “học Online đem đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực như phải ngồi nhiều, ít vận động, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất. Ngoài ra còn có nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng, do có rất nhiều trang web đen, những luồng thông tin tiêu cực…”. Phản biện lại ý kiến này, Đức Anh cho rằng “người học hoàn toàn có thể quản lí được việc mình có truy cập vào các trang web đó hay không”. Trước quan điểm của nhóm bạn, Ngọc Thảo đã chỉ ra một quy luật tâm lý thường gặp đó là “sự tò mò hoặc vô tình đôi khi chính là duyên cớ dẫn dắt bạn vào các trang web, các ứng dụng mạng xã hội…và khiến cho bạn lệ thuộc, thích thú một cách vô thức, sao nhãng việc học, mê game, hoặc chìm đắm trong thế giới ảo lúc nào không hay”.
Buổi tranh luận tiếp tục nóng lên với ý kiến của An Khuê khi cho rằng “mọi truy cập trên Internet, trước-trong- sau tiết học đều bắt đầu bằng một cú click chuột, và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình: học hay lướt mạng. Mạng xã hội nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường, do đó, việc bạn bị ảnh hưởng tiêu cực hay không đều phụ thuộc vào suy nghĩ và lựa chọn của chính bạn”. Ý kiến này của An Khuê được rất nhiều học sinh ủng hộ và nhận được nhiều biểu tượng like và thả tim của các bạn trong lớp.
Dưới sự dẫn dắt từ ý kiến của An Khuê, các nhóm đã nêu lên những tác động tích cực của việc học Online. Hạnh Nhiên đã nêu lên rất nhiều ảnh hưởng tích cực do học tập trực tuyến đem lại và được các bạn trong lớp ủng hộ. Ngoài lí do học trực tuyến là giải pháp đảm bảo an toàn cho mỗi học sinh, hỗ trợ kiểm soát tình hình dịch bệnh thì không gian học tập trực tuyến đã mở ra cho học sinh nhiều cơ hội. “Giúp cho học sinh được làm quen với nhiều app, nhiều phần mềm, tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, được cải thiện kĩ năng tin học”. Phan Anh tiếp nối với việc phân tích về khả năng “học tập mọi lúc, mọi nơi, xóa mờ ranh giới địa lý, đem tới sự công bằng trong việc tiếp cận các tri thức khoa học cho người học”. Quang Huy chỉ ra một tác động hữu ích của việc học trực tuyến đó là “đem lại sự Tự do cho người học. Bạn có thể tự mình lựa chọn cách thức học tập, tự mình lựa chọn nguồn tài liệu để hoàn thành nhiệm vụ mà giáo viên giao và thậm chí bạn có thể tự do lựa chọn bất kỳ lớp học nào mà không bị bó buộc trong một ngôi trường, một lớp học cụ thể như khi học tập trực tiếp”. Tuy vậy, màn tranh luận đã thực sự lắng lại khi Hồng Lam nêu ra một thực tế rằng có rất nhiều học sinh không có đủ thiết bị hoặc bị giới hạn cơ hội tham gia các lớp học online vì không đủ khả năng chi trả các chi phí về học phí, phí internet…
Cuối buổi thảo luận, học sinh 7A1 cùng nhau đưa ra các Tips để học online hiệu quả. Rất nhiều bí kíp hữu ích đã được các bạn nêu ra như: hãy bắt đầu một ngày học tập bằng việc dậy sớm, tập thể dục, ăn sáng và bước vào buổi học với sự thong thả, vui vẻ; tránh trạng thái vội vàng, hấp hoảng (Hồng Anh); tâm sự- nhờ sự “giám sát” của bố mẹ nếu bạn đang bị lệ thuộc vào game, mạng xã hội ( Đình Phong); không cài, không tải, không mở các ứng dụng khác trong lúc học (Ngọc Thảo); hình dung ra hậu quả nếu không học tập nghiêm túc (Hoàng Quân); rèn luyện bản thân, tự đặt ra các giới hạn về thời gian nếu có chơi game hoặc truy cập mạng (Quang Huy),…
Buổi chia sẻ thực sự là khoảng thời gian để các con tự mình đánh giá, điều chỉnh hành vi của bản thân. Đồng thời, việc được chia sẻ suy nghĩ cá nhân và lắng nghe quan điểm của bạn dưới sự điều phối, hướng dẫn của GVCN, các con đã được tiếp nhận rất nhiều bài học một cách nhẹ nhàng, không gò bó, rèn luyện kĩ năng tranh biện và tạo lập một không gian lớp học mà ở đó mọi sự khác biệt đều được chấp nhận và xem xét dưới góc nhìn tôn trọng, thân thiện.