Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam chia sẻ giải pháp tạo động lực cho đội ngũ giáo viên.
Vai trò quan trọng của hiệu trưởng
– Theo ông, đâu là chủ thể quan trọng nhất giúp giáo viên có được động lực trong công việc?
Xây dựng trường học hạnh phúc là giải pháp cơ bản nhất nhằm làm giảm áp lực cho giáo viên. Trong đó, hiệu trưởng là người gieo mầm, là cánh chim đầu đàn, người cầm lái tiên phong của nhà trường.
Hiệu trưởng cần hiểu rõ các loại nhu cầu (nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu liên kết/giao tiếp, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự khẳng định) tác động đến tâm lí làm việc của giáo viên, từ đó có các biện pháp phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể là thực hiện “5 đáp” đối với giáo viên:
Đáp ứng nhu cầu sinh học cho giáo viên để có sự yên tâm, thoải mái trong công việc. Nhà trường cần bảo đảm các điều kiện làm việc; tổ chức thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cho giáo viên; bảo đảm trả lương, thưởng và phúc lợi (nếu có) đúng, đủ, minh bạch.
Đáp ứng nhu cầu an toàn cho giáo viên. Bố trí cảnh quan, sắp xếp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường bảo đảm an toàn. Đưa ra các biện pháp xử lý kỷ luật khéo léo. Xây dựng nội quy nhà trường phù hợp. Khen, thưởng xứng đáng khi hoàn thành tốt công việc…
Đáp ứng nhu cầu liên kết, giao tiếp. Theo đó, nhà trường cần hỗ trợ giáo viên thực hành phương pháp giao tiếp khoan dung dựa vào sự đồng cảm, thấu cảm và không phán xét để tạo nên một không khí bình an, không bạo lực. Xây dựng quan hệ thân thiện, hợp tác giữa giáo viên với nhau. Xây dựng quan hệ cởi mở, hợp tác giữa hiệu trưởng với giáo viên. Tạo dựng bầu không khí thân tình, hợp tác trong nhà trường. Tổ chức các sự kiện gắn kết các thành viên: Du lịch, các hoạt động văn hoá, thể thao… Phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong nhà trường…
Đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của giáo viên. Để làm được điều đó, cần trao quyền tự chủ cho giáo viên trong thực hiện công việc; phát huy dân chủ trong nhà trường. Thầy cô được tham gia có hiệu quả vào các công việc của trường, được tin tưởng giao việc và được giao việc đúng sở trường, năng lực… Khen thưởng kịp thời thành quả công việc của giáo viên. Công bằng trong đánh giá nỗ lực bỏ ra và tiến bộ trong công việc của giáo viên…
Đáp ứng nhu cầu tự khẳng định của giáo viên. Trong đó, khuyến khích các hoạt động hợp tác nhằm mục đích không cạnh tranh hay tranh giành thắng thua. Thực hiện nhiều cách sáng tạo để đề cao, tôn vinh những đóng góp của giáo viên. Tạo cơ hội cho mọi người được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực cần thiết cho công việc. Khích lệ mọi người thử nghiệm ý tưởng mới và sử dụng các sáng tạo trong công việc. Tạo cơ hội thăng tiến công bằng cho mọi giáo viên. Tổ chức hiệu quả các hoạt động tôn vinh nghề nghiệp…
Nguyên tắc cần tuân thủ
– Đôi khi ranh giới giữa tạo động lực và áp lực rất mong manh. Theo ông, cần quan tâm đến những vấn đề gì để không biến “động lực” trở thành “áp lực”?
Bản chất của động lực xuất phát từ nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu của con người. Khi một nhu cầu được thoả mãn về cơ bản, nó sẽ dần mất đi và nhu cầu mới lại xuất hiện. Sự thoả mãn nhu cầu chính đáng có tác động tích cực tới động lực của mỗi người. Tuỳ thuộc vào từng nhà trường, vào nhu cầu của các cá nhân khác nhau mà lựa chọn biện pháp tác động phù hợp.
Với nghề giáo, bên cạnh nguyên tắc tác động vào nhu cầu như nói ở trên còn cần tôn trọng đặc điểm lao động sư phạm của giáo viên. Nghề giáo là một nghề đặc thù, vì vậy giáo viên rất mẫn cảm với cái “tôi” và chuyên môn mà mình phụ trách. Với giáo viên, bên cạnh nhu cầu cơ bản là thu nhập hợp lý để có thể sống được bằng nghề dạy học, họ rất cần được thấu hiểu đặc điểm công việc của “ông thầy tổng hợp”.
Nếu hiệu trưởng không trân trọng những cố gắng và tiến bộ, thành công (có thể chỉ là rất nhỏ) của họ, thì họ cảm giác bị thiếu tôn trọng, bị vùi dập và họ sẽ có thể không còn muốn cố gắng nữa.
Khi giáo viên gặp khó khăn hay phạm phải sai sót, khuyết điểm trong công tác và sinh hoạt thì họ có nhu cầu được người lãnh đạo và đồng nghiệp trong trường chia sẻ, cảm thông. Nếu không được đáp ứng thì họ dễ sinh tâm lý tự ti, bỏ mặc và không thiết tha với công việc chung.
Các biện pháp tạo động lực cũng cần linh hoạt: Tạo động lực thông qua biện pháp kinh tế; phân công công việc phù hợp; cải thiện môi trường làm việc cho giáo viên…
Kỹ năng tự hóa giải áp lực
– Ngoài những hỗ trợ như trên, giáo viên có thể tự tạo động lực cho mình như thế nào?
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học sẽ hạnh phúc, nhà trường sẽ hạnh phúc.
Thay vì làm những điều lớn lao, cao xa, mỗi giáo viên cần học cách làm những việc giản dị nhưng vô cùng hiệu quả như: Bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp.
Thầy cô cũng cần rèn luyện điều tiết cảm xúc và giảm stress. Ví dụ, biết gọi tên những nỗi sợ, lo âu, tìm hiểu nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực, hay tập những bài tập thể chất (thở, đi bộ, tĩnh tâm…).
Một trong những tác động cải thiện cảm xúc của giáo viên trong trường chính là sự thấu cảm.
Trong nhà trường, hiệu trưởng cần hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn từng giáo viên; đến lượt giáo viên cũng cần sự thấu cảm tương tự đối với học sinh, cha mẹ học sinh một cách chân thành nhất.
Có bốn thành tố thực hành rèn luyện, giao tiếp thấu cảm trong nhà trường gồm: Quan sát, cảm nhận, bày tỏ nhu cầu, yêu cầu/đề nghị.
Quan sát: Nhìn nhận tình huống và lắng nghe một cách đơn thuần mà không phán xét, diễn dịch, phân tích, so sánh.
Cảm nhận: Kết nối với những cảm giác, cảm xúc của chính mình trong hiện tại, và diễn đạt những cảm nhận ấy một cách chân thật, với chủ ý xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ; không phán xét, đổ lỗi hay so sánh.
Bày tỏ nhu cầu: Bày tỏ một cách chân thật nhu cầu hay điều mà mình đang cần hay đang mong mỏi ngay lúc ấy.
Yêu cầu/đề nghị: Đưa ra một yêu cầu hay đề nghị cụ thể và khả thi để giúp chăm sóc một nhu cầu nào đó mà mình đang có. Ngôn từ và cách biểu đạt yêu cầu hay đề nghị có thể thẳng thắn, nhưng không nên mang tính cách bó buộc, đòi hỏi, hăm dọa, hay bảo thủ. Nếu bản thân có lỗi, có sai lầm thì nên thành thật nhận lỗi trước. Không che giấu, không thanh minh, hãy đón nhận sự phê bình của đối phương. Nếu có sự hiểu lầm, cần cùng đối phương giải quyết với thái độ hết sức bình tĩnh, khiêm tốn.
– Xin cảm ơn ông!
(Theo Giáo dục và Thời đại)