Giáo dục trải nghiệm là một phương pháp có nhiều ưu điểm và kích thích được tiềm năng ở học sinh. Ưu thế của giáo dục trải nghiệm trong phát triển tư duy đã được nhiều nhà khoa học chứng minh. Hermann Ebbinghaus – nhà tâm lý học người Đức, người đi tiên phong trong nghiên cứu thực nghiệm và trí nhớ đã chỉ ra rằng nếu tỷ lệ tiếp thu của bạn (từ một bài giảng) là 100% vào ngày thứ nhất thì tới ngày thứ hai, con số ấy sẽ giảm đi đáng kể từ 50-80% và cứ thế đến khi chỉ còn 2-3% vào ngày cuối cùng của tháng. David Kolb (1984, Mỹ) là một trong những nhà nghiên cứu giáo dục đầu tiên đưa ra lý thuyết có tính hệ thống, đầy đủ, phân tích cơ chế hình thành và chu trình hoạt động của học tập thông qua trải nghiệm. Theo Kolb, đây là quá trình “học thông qua phản ánh khi thực hiện”.
Tiếp nối sự thành công của talkshow số 1, ngày 23/11 vừa qua, trường Trung học Phenikaa đã tổ chức buổi Talkshow số 2 thảo luận về “Giáo dục trải nghiệm”, nhằm tìm hiểu, làm rõ hơn các vấn đề, vai trò, quy trình của giáo dục trải nghiệm nói chung và các cơ hội thách thức trong giai đoạn dạy học online hiện nay.
Trong buổi Talkshow, cô Nguyễn Thị Duyên, đại diện cho tổ KATM đã chia sẻ những nội dung cốt lõi và thú vị về giáo dục trải nghiệm, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, những vấn đề mà một người giáo viên cần chuẩn bị để có thể thực hiện giáo dục trải nghiệm. Các thầy cô trong tổ KATM đã chia sẻ quá trình hướng dẫn các con thực hiện dự án “Việc tốt mỗi ngày” trong môn Kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm trong tiết Mỹ thuật: Dạy về cách vẽ lá cây.
Đối với tổ Khoa học xã hội, các thầy cô trong tổ đã thực hiện giáo dục trải nghiệm thông qua việc cho các con đóng vai nhân vật, ở vị trí của nhân vật để thể hiện cái nhìn, quan điểm của mình gắn với đặc điểm lịch sử, xã hội thời đó. Các ứng dụng như Google Earth, ứng dụng CNTT cũng được các con sử dụng để xây dựng dự án: “Tự mình trải nghiệm chuyến đi”.
Theo cô Cao Thị Hiền, giáo viên tổ Tiếng Anh, học tập qua trải nghiệm chính là các con vận dụng những nội dung vừa học vào hoàn cảnh thực tế theo quy trình 4 bước: exposure phase, participation phase, reflect, apply. Trong các tiết học Tiếng Anh, thầy cô luôn hướng dẫn học sinh thực hiện quy trình 4 bước này.
Có cùng quan điểm với các thầy cô ở các bộ môn, các thầy cô trong tổ KHTN đã chia sẻ các dự án liên môn khoa học – toán học, các dự án STEM mà thầy cô đã hướng dẫn các con thực hiện trong giai đoạn online này.
Tại Phenikaa, giáo dục trải nghiệm không chỉ được thầy cô chú trọng đưa vào chương trình học, mà còn được áp dụng trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, rèn luyện phẩm chất, kỹ năng do các thầy cô giáo viên chủ nhiệm thiết kế. Trong nửa đầu học kì I vừa qua, các Pheniker đã được thầy cô giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn thực hiện dự án “Tiết kiệm năng lượng”, dự án “Tôi trưởng thành”, dự án “Trung thu xưa và nay”. Các dự án trên đều nhận được sự tham gia nhiệt tình của các con, và các phản hồi tích cực từ phía PHHS. Các dự án này đã kéo Pheniker rời xa môi trường ảo, tương tác nhiều hơn với gia đình, các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, và thông cảm hỗ trợ nhau hơn.
Trước khi kết thúc buổi Talkshow, là chia sẻ của thầy Phạm Việt Dũng, chủ nhiệm Maker space về giáo dục trải nghiệm tại Mỹ, về nhu cầu của thời đại trong việc thay đổi phương pháp giáo dục từ nặng về lý thuyết sang chú trọng Learning by doing. Cùng chờ đợi talkshow số 3 để được tìm hiểu sâu về phương pháp giảng dạy tại trường Trung học Phenikaa.