Lên lớp 6 là cột mốc quan trọng trong hành trình học tập – thời điểm học sinh không chỉ chuyển lớp, mà còn chuyển cấp, chuyển môi trường. Vậy, lên lớp 6 cần chuẩn bị những gì để tự tin bước vào năm học mới? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
1. Chuẩn bị hồ sơ nhập học
Bước đầu tiên phụ huynh cần làm sau khi nhận được thông báo trúng tuyển lớp 6 là chuẩn bị hồ sơ nhập học. Thông thường, hồ sơ nhập học sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Bộ Hồ sơ nhập học theo mẫu của nhà trường bao gồm Đơn xin nhập học, Tờ khai thông tin, Bản cam kết của Cha mẹ học sinh
- Bản sao công chứng Giấy khai sinh của học sinh
- Bản gốc Học bạ của học sinh
- Bản sao Hộ khẩu gia đình
- Bản sao Căn cước của bố và mẹ học sinh
- 02 ảnh 4×6 của học sinh trong vòng 6 tháng gần đây nhất.
- Bản sao các chứng nhận thành tích và giải thưởng học sinh đạt được (nếu có)
Lưu ý: Hồ sơ nhập học có thể thay đổi tùy theo quy định của từng trường tại từng thời điểm.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ nhập học, phụ huynh và học sinh làm thủ tục nhập học theo hướng dẫn của nhà trường.
2. Chuẩn bị đồ dùng học tập
Lên cấp 2 cần mua những gì? Học sinh cần có thêm dụng cụ gì so với cấp 1? Dưới đây là danh sách đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh lớp 6, giúp phụ huynh và học sinh chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cho năm học mới:
- Sách giáo khoa theo quy định của nhà trường.
- Vở kẻ ngang (tên gọi khác: vở dòng sông) để ghi chép các môn học, riêng môn Mỹ thuật sử dụng vở vẽ; sổ tay học tập; vở nháp.
- Bút bi (dùng cho viết bài và ghi chú), bút chì (dùng cho môn Toán, vẽ hình), bút xóa (dùng để sửa lỗi trong bài viết), bút highlighter (dùng để tô sáng các từ khóa, ý quan trọng).
- Tẩy, gọt bút chì, thước kẻ, thước đo độ, kéo
- Ba lô (để đựng sách vở, đồ dùng học tập
- Hộp đựng bút (giúp học sinh dễ dàng sắp xếp bút, thước và các đồ dùng nhỏ)
- Máy tính cầm tay
- Giấy kiểm tra (theo quy định của nhà trường)

3. Tìm hiểu chương trình học lớp 6
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT Việt Nam, học sinh lớp 6 sẽ học 12 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn; mỗi ngày học 5 tiết, mỗi tiết kéo dài 45 phút; trong đó:
- Môn học bắt buộc (12 môn): Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
- Môn học tự chọn (2 môn): Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
>>> Tìm hiểu chi tiết chương trình lớp 6 tại bài viết 22. lớp 6 học những môn gì
So với khối lượng kiến thức năm cấp 1, học sinh lớp 6 sẽ tiếp cận với nội dung học tập chuyên sâu hơn trong năm lớp 6, các môn học cũng đòi hỏi khả năng tự học và tự nghiên cứu cao hơn.
Khi chuyển lên lớp 6, học sinh sẽ đối mặt với những khó khăn liên quan đến chương trình học như:
- Khối lượng kiến thức tăng lên: Học sinh sẽ phải làm quen với việc học các môn như Khoa học tự nhiên và Lịch sử – Địa lý với hình thức tích hợp, đòi hỏi khả năng tổng hợp thông tin và phân tích tốt hơn.
- Nhiều môn học và yêu cầu tự học cao: Lớp 6 sẽ có nhiều môn học với các yêu cầu bài tập, kiểm tra và thi cử đan xen, khiến học sinh cần phải quản lý thời gian hiệu quả để hoàn thành hết các bài tập và ôn luyện cho các kỳ thi.
- Chuyển từ học thuộc lòng sang tư duy phản biện: Ở cấp 2, học sinh không chỉ học thuộc mà còn phải phân tích, lý giải và chứng minh các vấn đề. Các bài học yêu cầu học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề một cách logic, điều này có thể gây khó khăn cho những học sinh chưa quen với cách học này.

4. Tìm hiểu về phương pháp giảng dạy của nhà trường
Việc tìm hiểu về phương pháp giảng dạy của nhà trường là một bước quan trọng giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về cách thức mà các em sẽ được tiếp cận kiến thức, làm quen với các hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.
Để tìm hiểu về phương pháp giảng dạy và đánh giá của nhà trường, phụ huynh có thể tham khảo các nguồn thông tin sau:
- Thăm trường và tham gia các buổi Open Day
- Kênh thông tin chính thức của nhà trường như website, fanpage…
- Hội phụ huynh hoặc học sinh đã và đang theo học tại trường
- Kênh thông tin tư vấn tuyển sinh của nhà trường

5. Chuẩn bị tâm lý trước khi bước vào môi trường mới
Việc chuyển từ lớp 5 lên lớp 6 là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi học sinh. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai cấp học, đánh dấu sự thay đổi không chỉ về kiến thức mà còn về môi trường học tập và xã hội.
Ngoài ra, một số em học sinh lớp 6 cũng bắt đầu đối diện với sự thay đổi trong cơ thể khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì – độ tuổi dễ gặp phải những cảm xúc khó kiểm soát.
Với các tác động này, nhiều học sinh sẽ cảm thấy tự ti, ngại ngùng hoặc thiếu tự tin trong những lần đầu tiếp xúc với các bạn mới và các thầy cô mới.
Để giúp con vượt qua giai đoạn chuyển tiếp này một cách dễ dàng, phụ huynh có thể:
- Tạo không gian trò chuyện: Phụ huynh cần tạo điều kiện để con cảm thấy thoải mái chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Việc lắng nghe và chia sẻ cùng con sẽ giúp giảm bớt lo lắng và áp lực.
- Khuyến khích sự độc lập: Hãy dạy con cách tự học và tự chịu trách nhiệm vì học sinh lớp 6 cần phải bắt đầu quản lý thời gian của mình và chủ động trong việc học tập.
- Giới thiệu về môi trường mới: Trước khi bước vào trường mới, phụ huynh có thể cùng con tham quan trường, gặp gỡ các thầy cô và bạn bè để các em làm quen với môi trường học tập mới.
- Khuyến khích tham gia hoạt động ngoại khóa: Các hoạt động ngoài lớp học không chỉ giúp học sinh giải tỏa căng thẳng mà còn phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

6. Rèn luyện các kỹ năng mềm giúp học tập hiệu quả
Ngoài kiến thức, học sinh THCS cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm để phát huy sự tự tin, năng động và sáng tạo trong học tập và cuộc sống. Những kỹ năng này không chỉ giúp các em học tốt mà còn giúp phát triển toàn diện các phẩm chất và năng lực cần thiết cho tương lai.
Dưới đây là những kỹ năng cần thiết cho học sinh THCS:
- Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc
- Kỹ năng tự phục vụ bản thân
- Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả
- Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời
- Kỹ năng giao tiếp và ứng xử
- Kỹ năng đánh giá và phân biệt hành vi
- Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông
- Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống
- Kỹ năng hợp tác, chia sẻ
- Kỹ năng nhận tự thức và đánh giá bản thân
Để bồi dưỡng kỹ năng mềm, cách tốt nhất là học qua trải nghiệm thực tế. Hiện nay tại nhiều trường (đặc biệt là trường tư thục) thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, câu lạc bộ, sự kiện ngoại khóa…; các em hoàn toàn có thể đăng ký tham gia để mở rộng mối quan hệ trong trường, từ đó bồi dưỡng thêm kỹ năng mềm.

7. Những điều cần biết khi lên cấp 2
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp mà phụ huynh và học sinh thường đặt ra khi chuẩn bị cho kỳ học mới, đặc biệt là khi chuyển từ cấp 1 lên cấp 2.
7.1. Học sinh cấp 2 viết bút gì?
Khác với học sinh cấp 1 thường sử dụng bút mực máy, bút lông kim; học sinh cấp 2 thường sử dụng bút bi để tăng tốc độ viết bài, tránh được tình trạng quần áo, tay chân vấy mực như bút máy.
Ngoài bút bi, học sinh cũng cần chuẩn bị thêm bút chì khi cần vẽ hình (môn Toán), vẽ Mỹ thuật hoặc nháp; bút xóa để sửa lỗi khi cần; bút highlight để tô các nội dung cần nhớ.
7.2. Học sinh lớp 6 viết vở gì?
Học sinh lớp 6 các trường ngoài miền Bắc thường sử dụng vở kẻ ngang (tên gọi khác: vở dòng sông) để ghi bài, riêng môn Mỹ thuật sẽ dùng vở vẽ riêng. Trong khi đó, học sinh khu vực phía Nam lại thường sử dụng vở 4 ly ngang để ghi chép bài.
7.3. Lớp 5 lên lớp 6 có thi chuyển cấp không?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh lớp 5 lên lớp 6 không phải thi chuyển cấp. Tuy nhiên, tại một số trường tư thục sẽ tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá năng lực đầu vào để xét tuyển học sinh.
Ví dụ: Tại Phenikaa School, học sinh sẽ được xét tuyển từ lớp 5 lên lớp 6 của Phenikaa dựa theo kết quả học tập và hạnh kiểm của năm học lớp 5, đồng thời nhận ưu đãi học phí lên đến 10%.
Hy vọng bài viết trên đã giúp quý phụ huynh và học sinh tìm được câu trả lời cho câu hỏi lên lớp 6 cần chuẩn bị những gì? Học sinh lên cấp 2 cần những gì để phát triển tốt nhất. Việc chuẩn bị tốt sẽ giúp học sinh tự tin, dễ dàng thích nghi với môi trường học mới và đạt được những thành công trong năm học sắp tới. Hãy cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để con có thể phát triển toàn diện trong giai đoạn quan trọng này.
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ: Số 8 đường Tu Hoàng, phường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Hotline: 086 992 7887 – (024) 335 455 66
- Email: [email protected]
- Website: https://phenikaa.edu.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/truongphothongliencapphenikaa