Thầy cô chia sẻ những lưu ý quan trọng với các thí sinh trước ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nắm vững các quy định dành cho thí sinh
Theo thầy Phan Trọng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre), để chuẩn bị tốt trước khi đi thi, các em cần nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý. Hãy giữ cho cơ thể và tinh thần trong trạng thái tốt nhất bằng cách nghỉ ngơi đủ giấc, ăn uống lành mạnh trước khi thi. Tránh căng thẳng quá mức và duy trì sự tập trung.
Thời điểm này đã gần thời gian diễn ra Kỳ thi, các em dành thời gian để ôn lại các kiến thức và kỹ năng cần thiết; sắp xếp lại kiến thức đã có một cách hợp lý; xem lại các kiến thức lý thuyết đã học.
Lên kế hoạch cho ngày thi: Thí sinh cần ghi nhớ thời gian và địa điểm thi và lên kế hoạch sắp xếp thời gian để đến đúng giờ, không bị vội vã. Đặc biệt hạn chế tối đa việc ngủ trưa quá nhiều trong ngày thi.
Hãy đọc lại quy định của Kỳ thi để bảo đảm nắm được các quy định, điều kiện và quy trình của Kỳ thi; nhớ mang đầy đủ các dụng cụ cần thiết như bút chì, bút bi, tẩy chì, Atlat địa lý Việt Nam, máy tính cầm tay.
Để làm quen với thời gian làm bài, thí sinh thực hành làm bài trong thời gian giới hạn để quản lý thời gian hiệu quả và làm quen với áp lực của kỳ thi thực tế. Tập làm quen với khung giờ làm bài sẽ thi chính thức của bài thi đó.
Một điều hết sức quan trọng là xây dựng tâm lý vững vàng, cố gắng giữ bình tĩnh và tự tin. Các em đừng lo lắng quá nhiều về kết quả mà hãy tập trung vào từng câu hỏi một khi bắt đầu làm bài.
Cũng lưu ý yếu tố tâm lý, thầy Trần Văn Hân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) dặn dò thí sinh chuẩn bị tốt cho buổi làm thủ tục dự thi và đầy đủ các vật dụng cho các buổi thi theo Quy chế. Thông tin phương tiện đến Điểm thi để người thân, bạn bè và thầy cô biết để hỗ trợ khi cần. Chú ý hướng dẫn xử lý trong trường hợp khi đến Điểm thi trễ, quên thẻ dự thi,…
Trong từng buổi thi, thí sinh chú ý nghe rõ và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ coi thi. Kiểm tra kỹ thuật đề thi, thật cẩn thận trong bài thi tự luận tránh những sai sót như ghi sai tên Hội đồng thi, Điểm thi, ghi nhầm ô, ghi sai, những lỗi bị ghi nhận đánh dấu bài thi,… Bài thi tổ hợp, các môn thi thành phần phải cùng mã đề, ghi và tô sai số báo danh, mã đề thi,…
Sau mỗi buổi thi, thí sinh cần tập trung chuẩn bị chu đáo cho buổi thi tiếp theo hạn chế việc kiểm dò kết quả môn đã thi tránh làm ảnh hưởng đến tâm trạng các môn thi còn lại.
7 lưu ý quan trọng
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, nhóm trưởng nhóm Toán THPT, Phenikaa School dặn dò thí sinh 7 lưu ý quan trọng.
Thứ nhất, trước kỳ thi, các em không ăn uống các thực phẩm lạ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh, gây nên một số bệnh đáng tiếc khi đi thi như đau bụng, tiêu chảy, sốt…
Thứ 2, trước ngày thi, các em không nên thức khuya hoặc dậy quá sớm; cần ngủ đủ giấc, sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý để nạp năng lượng và giữ cho tinh thần sảng khoái. Các em nên chọn khung giờ học phù hợp, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như trà đậm, cà phê đặc, nước tăng lực… Hãy xem lại kỹ các chủ đề và kiến thức cơ bản, các công thức nhanh, các dạng toán sử dụng máy tính, các lưu ý mà thầy cô đã nhấn mạnh trên lớp,…
Thứ 3, cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết như căn cước công dân, giấy báo dự thi, bút bi, bút chì, tẩy, máy tính bỏ túi (loại được phép mang vào phòng thi), đồng hồ; kiểm tra xem các vật dụng này có đang hoạt động tốt hay không. Các em lưu ý: Không mang theo bút xoá, các thiết bị điện tử như điện thoại, đồng hồ thông minh,…
Thứ 4, các em nên đi sớm và có mặt tại phòng thi trước 30’ để tránh tắc đường, ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Khi vào phòng thi, học sinh lưu ý cư xử văn minh, tuân thủ đúng các quy định của kỳ thi như nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của giám thị coi thi, không sử dụng thiết bị điện tử, không gian lận.
Thứ 5, trong quá trình làm bài, các em cần giữ tâm lý bình tĩnh, vững vàng, đọc kỹ đề, gạch chân các từ khóa để tránh những sai lầm đáng tiếc, phân bố thời gian hợp lý, dễ làm trước, khó làm sau, không sa đà vào những câu khó. Đối với môn thi trắc nghiệm, câu nào không làm được cũng không được bỏ qua, hãy phân tích đề bài, phán đoán, loại trừ để chọn đáp án tốt nhất.
Thứ 6, trước khi nộp bài, các em cần dành ít nhất 5 phút cuối để kiểm tra các thông tin cần thiết, đảm bảo đúng mã đề, số báo danh, tô đủ số câu vào phiếu trả lời trắc nghiệm, phần bài làm và phiếu tô khớp nhau, tô đáp án rõ ràng, không tẩy xóa, không tô nhiều đáp án, giữ phiếu trả lời sạch sẽ, không bị bẩn, nhăn, rách.
Cuối cùng, sau khi thi xong từng môn, thí sinh không nên đối chiếu ngay đáp án của mình với đáp án không chính thức trên mạng để tránh ảnh hưởng đến tâm lý khi thi các môn sau.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại