Nhiều năm nay phần lớn học sinh của các trường phổ thông khối công lập rơi vào tình trạng yếu kém kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ. Nguyên nhân do học sinh, giáo viên hay chương trình học ngoại ngữ?
Xem thêm: Cùng nghe Phenikers flex nhẹ về ngôi trường cấp 3 trong mơ
Nhiều năm đèn sách vẫn không thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài
Có một thực tế hiện nay là khá nhiều học sinh khi đã vào tới lớp 10, thậm chí tốt nghiệp THPT nhưng kỹ giao tiếp tiếng Anh rất yếu kém.
Chị Trần Huyền Trang (quận Ba Đình), có con đang học năm cuối cấp THCS cho hay, nguyên nhân đưa đến hệ quả trên có thể kể đến chính là sách giáo khoa. Học tiếng Anh phải học đầy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, sách giáo khoa chỉ chú trọng các kỹ năng đọc, viết, ngữ pháp, trong khi đó phần nghe và giao tiếp lại rất hạn chế.
“Học sinh bắt buộc phải học kiến thức về ngữ pháp, phải đi vào phân tích và học theo cấu trúc, buộc phải nhớ những nguyên tắc, làm bài tập, học từ vựng để đáp ứng yêu cầu thi cử. Với khối lượng và cách học như vậy nên việc học sinh học trước quên sau, mất gốc kiến thức không lấy làm lạ”, vị phụ huynh này nói.
Chị Nguyễn Thị Trúc (quận Long Biên) – mội giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường công lập tại Hà Nội cho biết, dù đã được tham gia những đợt tập huấn về giảng dạy 4 kỹ năng nhưng không thể áp dụng vì lớp học quá đông học sinh, trong khi một tiết học chỉ có 45 phút, kiến thức sách vở lại quá nhiều, không còn có thời gian để thực hành kỹ năng khác.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tiếng Anh. Bản thân nhiều giáo viên còn ngại nói bởi chính họ cũng không có cơ hội giao tiếp nhiều, điều này có thể do họ dành toàn bộ thời gian giảng dạy sử dụng tiếng Việt, lâu ngày không thực hành tiếng Anh dần trở nên thiếu tự tin.
Tiếp xúc với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, khá nhiều các bạn học sinh đã học xong THCS, có những trường hợp đã hết lớp 10 đều thừa nhận rằng chưa đủ khả năng để giao tiếp tiếng Anh nếu tới dự một hội thảo, hoặc chương trình nào đó chỉ có nghe nói tiếng Anh.
Bạn M.L từng học Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Trong kỳ thi vào lớp 10 với điểm tiếng Anh thi được 7,75 nhưng kỹ năng nghe nói rất hạn chế, hầu như chỉ rèn ngữ pháp bởi mọi điểm số đều thể hiện trên bài thi, không hề có nghe nói, có lẽ điều đó khiến em bị học lệch. Thời gian vào THPT em sẽ cố gắng cải thiện khả năng nghe nói, nếu không làm được sẽ rất thiệt thòi khi tham gia các sự kiện lớn của trường, đặc biệt là không thể tham gia các câu lạc bộ có giao tiếp với học sinh nước ngoài”.
Một nam sinh từng học Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) cũng thẳng thắn thừa nhận sau khi kết thúc lớp 9, khả năng nghe nói tiếng Anh rất kém.
“Cho tới giờ khi em đã học xong lớp 11, có khá nhiều bạn chưa cải thiện được điều này, em nghĩ là cách truyền dạy tiếng Anh cần thay đổi thực tế hơn từ các lớp nhỏ, phải yêu cầu học sinh nghe và nói được để giao tiếp phục vụ cho công việc. Nếu chỉ là học ngữ pháp để trả bài thi thì một thời gian sẽ rơi rớt, càng lên lớp lớn khả năng nghe nói càng bị hạn chế so với lứa tuổi nhỏ”.
Giáo viên gặp khó khăn khi dạy nghe – nói
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, hiện nay, chương trình giáo dục tiếng Anh thiên về kỹ năng đọc – viết ngữ pháp, học thuật, còn sinh ngữ nghe – nói chưa cải tiến nhiều. Ở một số nơi, thầy cô sử dụng những thiết bị cũ như băng cát xét để lưu file hội thoại tiếng Anh dạy học sinh.
Theo TS Trần Thành Nam, với sự phát triển ngày càng đa dạng của thiết bị công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên cần biết cách khai thác, tận dụng tài liệu thực tế và tình huống tương tác phù hợp. Năng lực ngôn ngữ của giáo viên không chỉ gói gọn trong giờ dạy trên lớp. Bản thân thầy cô cần được tạo động lực để tham gia vào quá trình tự học, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Giáo viên cần thay đổi phương pháp, cách thức, thủ thuật dạy học, tránh bồi dưỡng nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn.
Xu hướng dạy ngoại ngữ đa số thực hiện qua kênh trực tuyến bằng các phần mềm di động khác nhau. Người học có thể học tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi thông qua nhiều ứng dụng thông minh. Trong đó, người học có thể điều chỉnh cách phát âm, ngữ pháp, văn phong qua phần mềm.
Ngoài ra, trên mạng xuất hiện nhiều diễn đàn với sự tham gia của giáo viên quốc tế để trao đổi theo nhóm và nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên trong nước. Những thông tin đó cần được cập nhật vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh.
Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School cho rằng, xét theo hệ Cambridge cần trung bình 3200 giờ học từ một người không biết gì về tiếng Anh tới lúc có thể trò chuyện như người bản xứ. Do đó, việc mô tả việc học một ngôn ngữ trong 6 năm, 10 năm như mô tả chương trình ngoại ngữ “hệ 6 năm” “hệ 10 năm” không hề có ý nghĩa bởi quan trọng là số giờ học ngôn ngữ.
“Quan trọng hơn nữa là tần suất học tập. Khi mọi người đặt câu hỏi, tại sao đang học ngoại ngữ nhưng lại không học được gì nhiều, đó là do họ không học đủ cường độ, tần suất cần thiết. Kiên trì học tập cường độ cao trong thời lượng ngắn sẽ tốt hơn học dồn nhiều kiến thức trong một lần một tuần”, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm nói.
Đại đa số giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn đang sử dụng một hình thức dạy học, đó là chỉ dạy ngữ pháp, điều này sẽ khiến trẻ không có quá nhiều động lực giao tiếp và nhu cầu sử dụng, thực hành ngôn ngữ. Thực hành là khi trẻ phải tự có ý thức chủ động, thực sự mong muốn hiểu và truyền đạt nhu cầu bằng một ngôn ngữ khác, từ đó chúng sẽ không ngừng thúc đẩy bản thân để cải thiện khả năng ngoại ngữ.
Trong môi trường lớp học, các bài giảng đều được lên chương trình cẩn thận để học sinh có thể thực hành các cấu trúc đã học. Tuy nhiên, điều mà một đứa trẻ thực sự cần là được thúc đẩy tâm lý tích cực, động lực tự học, tự khám phá, phương pháp giảng dạy không phải là yếu tố quyết định việc học sinh có thành thạo ngoại ngữ hay không.
Hiện nay, chương trình giảng dạy ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông nhồi nhét quá nhiều kiến thức, tâm lý vội vàng của phụ huynh khiến con phải nạp lượng kiến thức quá nhanh, trong khi đó thông tin đầu vào quá khó đối với hầu hết học sinh. Điều này dễ khiến học sinh dễ dàng mất hứng thú và ngừng mong muốn học tập, đương nhiên dẫn tới việc không còn nhu cầu thực hành hay động lực tự học.
Những lớp học ngôn ngữ nên được coi là một nơi trong đó học sinh có thể được giới thiệu các khái niệm mới, giảng dạy ngữ pháp rõ ràng và sửa lỗi, nhưng phần lớn việc thực hành ngôn ngữ của trẻ phải được thực hiện bên ngoài lớp học, nơi chúng được thực hành giao tiếp.
Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, cần phải coi việc học một ngôn ngữ giống như học một nhạc cụ thay vì là một môn học. Nếu không có thực hành, thì không thể trở nên thành thạo. Giáo viên phải là người luôn khuyến khích học sinh thực hành mỗi ngày bởi hiếm có một đứa trẻ sẽ tự học mà không có sự khuyến khích, hướng dẫn tạo cảm hứng từ xung quanh. Song hành cùng thầy cô, gia đình cũng đóng yếu tố quan trọng. Trong các gia đình bố mẹ không thường xuyên nói tiếng Anh luôn cần tạo điều kiện để con tiếp xúc với ngôn ngữ đều đặn vô cùng cần thiết để tạo nền tảng ngôn ngữ cho con cái.
Phenikaa School (Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa) là trường học hạnh phúc với chương trình giáo dục tiên tiến, môi trường giáo dục TRUYỀN CẢM HỨNG, nơi các em học sinh và thầy cô không ngừng học hỏi, hiện thực hóa mục tiêu.
Tìm hiểu thêm về Phenikaa School tại:
Fanpage: Phenikaa School
Instagram: Phenikaa_School
Youtube: Phenikaa School
Tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của Phenikaa School tại đây hoặc ba mẹ có thể liên hệ: 086 992 7887 hoặc email: [email protected]
Xem thêm: Phenikaa School tuyển sinh khối lớp 1, 6, 10 năm học 2024-2025 cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn!