Cô Hồ Thị Huyền Trang, giáo viên Phenikaa School đưa ra những điểm nhấn quan trọng giúp thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí hiệu quả.
Ảnh minh họa/ITN.
Hệ thống hóa kiến thức
Giai đoạn nước rút trước kỳ thi, trước hết thí sinh cần hệ thống hóa lại kiến thức của bản thân; trong đó lưu ý về phạm vi kiến thức như sau:
Đề thi có 40 câu trắc nghiệm, 38 câu thuộc kiến thức Địa lí 12 và 2 câu kỹ năng thuộc kiến thức lớp Địa lí lớp 11 (bài 11).
Kiến thức lý thuyết môn Địa lí lớp 12 gồm 21 câu (chiếm 52,5 %, tương ứng với 5,25 điểm của bài thi), gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên – 4 câu. Địa lí dân cư – 2 câu, địa lí các ngành kinh tế – 7 câu, địa lí vùng kinh tế – 8 câu.
Kỹ năng Địa lí có 19 câu (tỷ lệ 47,5%, tương ứng 4,75 điểm của bài thi). Trong đó 15 câu yêu cầu sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam, 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ.
Nắm vững cấu trúc đề giúp việc ôn tập có trọng tâm, bao quát, không bỏ sót các chủ đề, các kỹ năng. Tuy vậy, các em cần linh hoạt, tránh hiện tượng học tủ, học lệch.
Luyện tập để lấy trọn vẹn điểm câu về bảng số liệu, biểu đồ
Thứ hai, tập trung luyện tập để có thể làm tốt và lấy điểm trọn vẹn ở các câu hỏi kỹ năng về bảng số liệu, biểu đồ (1,0 điểm – 4 câu) không khó. Thuộc các công thức tính toán là điều tiên quyết.
Kỹ năng bảng số liệu, biểu đồ gồm: kỹ năng nhận xét biểu đồ, kỹ năng xử lý số liệu, kỹ năng xác định nội dung của biểu đồ, kỹ năng nhận dạng biểu đồ.
Trong đó, với bảng số liệu có thể đề bài sẽ đưa ra yêu cầu tính toán hoặc nhận xét sao cho thích hợp, tìm ra quy luật hoặc mối liên hệ giữa các số liệu và rút ra nhận xét rồi giải thích.
Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp gồm: biểu đồ thể hiện nội dung nào; lựa chọn nhận xét “đúng” hoặc “không đúng” dựa vào biểu đồ đã cho. Học sinh phải nắm vững kiến thức về đặc trưng của từng loại biểu đồ.
Với câu hỏi về kỹ năng bảng số liệu, học sinh cần quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở áp dụng các công thức tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Cô Hồ Thị Huyền Trang.
Thành thạo, cẩn thận với các câu hỏi kỹ năng Atlat
Phần Atlat gồm các nhóm kỹ năng: xác định vị trí/số lượng của đối tượng địa lí; xác định quy mô, cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm của các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp; khai thác các biểu đồ trong bản đồ; khai thác phân nền chất lượng trong bản đồ.
Để làm tốt các câu hỏi về kỹ năng Atlat, học sinh cần lưu ý các thao tác sau:
Xác định đúng trang Atlat theo yêu cầu của câu hỏi trong đề thi hoặc kết hợp các trang có nội dung tương tự (đề thi tham khảo năm 2023 không cung cấp số trang); xác định nội dung – yêu cầu của câu hỏi.
Nắm vững các ký hiệu chung, ký hiệu riêng (ký hiệu của đối tượng địa lí – yêu cầu của câu hỏi đặt ra). Không chỉ đọc được, các em cần hiểu được bản chất, khả năng thể hiện của các ký hiệu bản đồ. Hiểu, nhớ rõ các ký hiệu chung từ trước giai đoạn làm bài đem tới lợi thế rất lớn trong việc đảm bảo sự chính xác và thời gian làm bài. Rà soát từng đáp án với yêu cầu cụ thể của câu hỏi để tránh sai sót.
Với các bảng số liệu, biểu đồ trong Atlat, hãy thành thạo các công thức để xử lý số liệu nhanh, chính xác khi được yêu cầu, như: nhiệt độ trung bình, biên độ nhiệt, tháng lũ, tháng khô, lưu lượng nước,… Với biểu đồ, cần chủ động xem, nghiên cứu trước, thành thạo việc nhận xét các biểu đồ đã cho để áp dụng linh hoạt, chính xác trong quá trình làm bài.
Rèn kỹ năng làm bài bằng các đề tổng hợp
Một lưu ý cũng quan trọng là việc tổng ôn, rèn kỹ năng làm bài bằng cách làm các đề tổng hợp. Trong quá trình luyện đề, thí sinh ghi chú lại các lỗi sai, xác định các kiến thức còn thiếu hụt để từ đó bổ sung kịp thời, củng cố lại kiến thức, kỹ năng.
Thí sinh tăng cường luyện đề để tăng khả năng phản xạ với các dạng câu hỏi trong đề thi. Thời gian làm bài trắc nghiệm môn Địa lí là 50 phút với tổng số 40 câu hỏi. Như vậy, thời gian trung bình cho một câu hỏi là khoảng 1phút 15 giây đến 1 phút 25 giây. Việc rèn kỹ năng làm bài giúp học sinh biết căn giờ, kiểm soát tốt việc phân bố thời gian, đáp ứng được yêu cầu về tốc độ làm bài.
Cùng với việc này, trước khi đến trường thi, thí sinh phải chuẩn bị chu đáo các đồ dùng đặc trưng của bộ môn và các đồ dùng cần thiết theo đúng quy định.
Lưu ý khi làm bài thi
Khi làm bài thi, thí sinh nên lưu ý 6 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đọc kỹ yêu cầu của đề thi và lướt một lượt toàn bộ đề thi để kiểm tra xem có bị thiếu trang, thiếu câu, mờ chữ,… Xác định “từ khóa” có tính dấu hiệu, đặc trưng để xác định đáp án, phản ứng nhanh với yêu cầu đề thi.
Thứ hai, suy nghĩ theo chiều hướng đơn giản, không làm trầm trọng, phức tạp hóa nội dung câu hỏi, tin tưởng những suy nghĩ, đáp án mình nhanh chóng xác định được.
Thứ ba, làm bài theo quy tắc dễ trước, khó sau. Nên làm tuần tự các câu hỏi từ trên xuống dưới của đề thi, vì các câu hỏi thường có độ khó tăng dần. Không được chủ quan ở những câu dễ, bởi tất cả các câu hỏi đều có mức điểm tương đương.
Câu hỏi được sắp xếp với mức độ từ dễ đến khó tăng dần, từ câu 71 trở đi phân hóa rõ rệt, đảm bảo mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong đề có 75% câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 25% kiến thức nâng cao ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Phần kiến thức nâng cao tập trung chủ yếu vào 2 chuyên đề Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động, giải pháp…gắn liền với từ “chủ yếu” có trong câu hỏi.
Khi làm bài, đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để quay lại sau đó, tuyệt đối không được bỏ trống đáp án.
Thứ tư, làm đến đâu tô đáp án đến đó, tránh việc làm xong mới tô một lượt, có thể thiếu thời gian, vội vàng, nhầm lẫn.
Thứ năm, trong trường hợp “lệch tủ”, “quá khó”, “chữ bay đi đâu hết cả”, các em nên dùng phương án loại trừ, xác định và loại đáp án phi lý dựa vào các dấu hiệu như: thường có các từ “chỉ”, “vô cùng”, “rất”,…; đáp án thể hiện tính tiêu cực, cực đoan, nói quá,…; đáp án có các từ thể hiện tính cào bằng như “ đều”, “giống nhau”, “tương đương”,…
Thứ sáu, cần tự tin và giữ tâm lý thoải mái khi đi thi, làm bài thi. Nếu căng thẳng, hồi hộp (đặc biệt trong lúc chờ đề, mới nhận đề), em hãy ngồi thẳng lưng, hít thở một hơi thật sâu, giữ – đếm nhịp thở, uống một ngụm nước nhỏ…để cân bằng và bình tĩnh trở lại.
Theo báo Giáo dục và Thời đại