Thầy Phạm Giềng, giáo viên Phenikaa School chia sẻ với thí sinh 10 lưu ý quan trọng trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với môn Lịch sử.
Ảnh minh họa
Thứ nhất: Lịch sử Việt Nam chiếm 70%, lịch sử thế giới 30% trong chương trình học. Kiến thức thi tập trung ở lớp 12 (khoảng 90%). Thí sinh hãy phân phối thời gian ôn tập và làm bài cho phù hợp.
Thứ hai: Đề thi nhiều năm gần đây đã sắp xếp thứ tự câu hỏi từ 1 đến 30 ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Từ câu 31 đến câu 40 sẽ ở mức độ phân tích, so sánh, vận dụng. Thí sinh làm chắc chắn 30 câu đầu đã có thể đạt điểm 7. Những câu sau sẽ cần thời gian nhiều hơn.
Thứ ba: Nhiều câu hỏi chỉ cần kiến thức địa lý là có thể loại bỏ tất cả các phương án sai.
Thứ tư: Hãy khoanh những chữ trong câu hỏi thuộc mốc năm, lĩnh vực (kinh tế, văn hoá, quân sự), chủ quan/khách quan và tìm đáp án có những từ gần gũi/thuộc lĩnh vực đó để ra quyết định.
Thứ năm: Nội dung của các hội nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan đến nhận định tình hình, quyết định chủ trương rất quan trọng.
Thứ sáu: Cần hiểu rõ một số thuật ngữ cơ bản: Tính dân tộc, tính dân chủ, cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân, Chiến tranh cách mạng, Khởi nghĩa giành chính quyền, bạo lực vũ trang, đấu tranh chính trị, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, vận động chiến, đánh du kích, kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ… Hiểu rõ thuật ngữ lịch sử giúp quá trình nhận thức, phân tích diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn.
Thầy Phạm Giềng – Giáo viên Phenikaa School
Thứ bảy: Nguyên nhân thắng lợi sẽ phải xem khách quan hay chủ quan. Bài học kinh nghiệm sẽ gắn với từng giai đoạn lịch sử. Thí sinh cần lưu ý các bài học lớn có thể vận dụng trong giai đoạn hiện nay: Biển đảo, chiến tranh và hoà bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới…
Thứ tám: Xu hướng ra đề nhiều năm gần đây sẽ không hỏi mốc năm mà hỏi sự kiện lịch sử diễn ra vào thời điểm đó. Thí sinh tránh học vẹt và dựng timeline để hiểu rõ sự kiện nào đã diễn ra. Lưu ý, thí sinh cần lưu ý những sự kiện thế giới tác động đến Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 1945-1975.
Thứ chín: Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1954 sẽ lưu ý âm mưu, thủ đoạn của Pháp, chủ trương của ta, diễn biến, kết quả và ý nghĩa. Giai đoạn 1954-1975 sẽ chia làm 2 miền Nam – Bắc. Cần phân chia rõ mốc thời gian và các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, chủ trương của ta, thắng lợi quan trọng, quyết định và ý nghĩa của thắng lợi đó.
Thứ mười: Độ khó của một câu hỏi không chỉ nằm ở câu hỏi mà còn ở đáp án gây nhiễu. Thí sinh hãy khoanh những từ khóa quan trọng để giữ lại đáp án băn khoăn và gạch bỏ đáp án gây nhiễu sai. Cách làm này sẽ tăng tỷ lệ lựa chọn đáp án đúng trong quá trình làm bài.
Cũng lưu ý về ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT với môn Lịch sử, các thầy cô luôn khuyên học sinh không học thuộc máy móc, nên tóm tắt bài học bằng sơ đồ tư duy với nội dung cô đọng và các từ khóa. Khi học cần bám sát nội dung kiến thức trong sách giáo khoa.
Quá trình làm bài, cần đọc kỹ tất cả các câu hỏi và đáp án có trong đề thi. Câu nào biết chắc đáp án làm trước. Không nên để mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó mà cần phân bố thời gian hợp lý để hoàn thành được tất cả các câu trong đề thi.
Theo báo Giáo dục và Thời đại