Khơi mở óc sáng tạo, tôn trọng cảm xúc, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, là cách thầy cô tăng cảm hứng học tập, tạo động lực tối ưu thành tích cho học sinh.
Nguồn cảm hứng đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập, giúp kích thích đam mê, gia tăng khả năng tập trung, kiên trì để đạt mục tiêu đề ra. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy học sinh sẽ đạt kết quả tốt hơn khi có sự đồng hành của giáo viên biết gợi mở, tạo động lực học tập, khám phá, khát khao mở rộng vốn tri thức.
Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Phenikaa School) là một trong những đơn vị giáo dục bằng mô hình trường học truyền cảm hứng sáng tạo. Tại đây, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn giúp khơi nguồn cảm hứng cho học sinh.
Các học sinh tại Phenikaa School được thầy, cô giáo đồng hành, truyền cảm hứng sáng tạo qua mỗi tiết học, hoạt động ngoại khóa.
Khơi mở tri thức
Mỗi học sinh đều có tố chất, năng lực riêng. Tại Phenikaa School, thầy, cô không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn giúp các em tư duy mới mẻ, sáng tạo, khám phá thế giới và khả năng bản thân. Thông qua mỗi hoạt động, tiết học, giáo viên sẽ giúp các em có thêm niềm ham thích học tập và nghiên cứu.
Các bài giảng sinh động gắn liền với trải nghiệm, thực hành cùng loạt dự án liên môn là cách trường giúp học sinh từng bước định hình tương lai từ khi còn đi học. Từ đó, các em sẽ có khái niệm cơ bản về các nghề nghiệp và hành trình tương lai.
Các bản thu hoạch từ bài học hàng ngày giúp các em phát huy sở thích, nhận ra tiềm năng bản thân. Những điều này sẽ là nguồn động lực lớn để mỗi học sinh xác định rõ mục tiêu, hoàn thiện chính mình. Học sinh được thôi thúc sẽ có thêm động lực tự giác học tập vì tri thức của bản thân, thay vì áp lực điểm số, kỳ vọng gia đình.
Cô Hồ Thị Huyền Trang – Giáo viên môn Địa lý Phenikaa School.
Cô Hồ Thị Huyền Trang, giáo viên Địa lý tại Phenikaa School cho biết để tăng hứng thú học tập cho học sinh, các thầy, cô cần hiểu thế mạnh của từng em. Thiết kế các hoạt động phù hợp sẽ giúp các em bồi dưỡng, phát huy năng khiếu hiệu quả.
Đơn cử như những em có năng khiếu ngôn ngữ, khả năng giao tiếp lưu loát, sẽ hợp đại diện nhóm thuyết trình, thảo luận. Những em thiên về logic lại thích hợp thử thách những câu đố, bài phân tích về Địa lý…
Tôn trọng cái tôi của học sinh
Các giáo viên tại Phenikaa School cho rằng hành trình trưởng thành với góc nhìn mới mẻ, chưa nhiều trải nghiệm ở lứa tuổi học sinh là giai đoạn quan trọng để định hình phát triển con người về nhiều phương diện. Đặc biệt, ở cấp 2, 3, trẻ thay đổi nhiều về tâm sinh lý, đôi khi mắc kẹt giữa ngưỡng trẻ con và trưởng thành.
Các em bắt đầu bộc lộ cá tính riêng, khao khát khẳng định mình, muốn được lắng nghe, công nhận và đối xử như một người lớn. Tuổi này thường nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng, chán nản, hoài nghi bản thân trước những đánh giá không tích cực hay sự thờ ơ từ phía người lớn.
Hành trình lớn lên của trẻ cần sự động viên khích lệ, cổ vũ và định hướng kịp thời từ giáo viên và phụ huynh. Đồng thời, thầy, cô, cha mẹ cũng cần thấu cảm, tôn trọng mỗi việc các em làm. Nhất là những hành động thể hiện cái tôi cá nhân, sự cố gắng, lòng nhiệt thành và mơ ước của các em.
Thầy Phạm Việt Dũng (trái) – giáo viên môn Khoa học, STEM của Phenikaa School.
Thầy Phạm Việt Dũng, giáo viên môn Khoa học, STEM Phenikaa School cho biết học trò của anh sáng tạo ra rất nhiều ý tưởng hữu ích, song cũng có vài em suy nghĩ thiếu thực thế, ngây ngô. Lúc này, giáo viên nên là người truyền cảm hứng, định hướng cho các em và trân trọng những ý tưởng đó dù chúng có xa rời thực tế.
“Cách ứng xử kém tích cực của thầy, cô có thể khiến học sinh rụt rè. Thay vào đó, sự thấu hiểu, động viên và định hướng đúng đắn sẽ giúp các em kiên trì, ham học, có niềm tin vào bản thân, dám thử nghiệm và sáng tạo không ngừng”, thầy Dũng chia sẻ.
Khuyến khích dám nghĩ, dám làm
Phenikaa School luôn xem đổi mới sáng tạo là kim chỉ nam, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh thực hành trải nghiệm. Song song đó, mỗi thầy, cô giáo còn giữ vai trò như người bạn truyền cảm hứng, khuyến khích học sinh thử nghiệm cái mới, trao quyền để các em có thể tự chịu trách nhiệm.
Học sinh tại Phenikaa được tự nghiên cứu, đào sâu để có câu trả lời. Người thầy đóng vai trò đồng hành, khai mở những góc nhìn, hướng tiếp cận mới để các em tìm tòi, vượt ra giới hạn bản thân. Qua đó, học sinh có thêm tự tin để dám thử, dám sai, tìm được niềm vui trong học hành, nghiên cứu và sáng tạo.
Tiết học Tiếng Anh tại Phenikaa School.
“Nghề dạy học giống như truyền lửa, mở rộng chân trời cho học sinh nhìn xa hơn. Thổi bùng khát khao tri thức để học sinh phát triển bản thân là mục tiêu Phenikaa School cùng các thầy cô giáo hướng tới. Mọi hoạt động từ phương pháp dạy tới cơ sở vật chất đều được đảm bảo tối đa, giúp học sinh bồi dưỡng đam mê học tập, khai phá tiềm năng, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, sẵn sàng cho cuộc sống tích cực, thú vị và hạnh phúc hơn”, đại diện Phenikaa School chia sẻ.
Theo Báo điện tử Vnexpress